Nếu ở thế kỷ trước, dầu mỏ được xem là tài nguyên quý giá thì nay, trong kỷ nguyên công nghệ và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu mới là tài nguyên quý giá nhất.
"Điều tôi muốn nói là nếu chúng ta muốn làm AI, chúng ta phải có Big Data (dữ liệu lớn)", ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam đã nói như vậy tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo diễn ra chiều 15/8.
Do đó, Microsoft lấy trí tuệ nhân tạo (AI) làm trọng tâm và sẽ chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế thế giới, biến tất cả doanh nghiệp thành các công ty lấy AI làm trọng tâm, ông Trường nói.
Microsoft là một công ty được thành lập và dẫn dắt bởi Bill Gates cho đến năm 2015. Ông Trường chia sẻ, 5 năm trước, khi Satya Nadella lên giữ vị trí tổng giám đốc, ông đã mang một luồng tư tưởng và văn hoá mới hoàn toàn cho Microsoft, và là người đứng đầu cho sự chuyển đổi của Microsoft trong 5 năm. Sự đầu tư mạnh mẽ vào điện toán đám mây là mấu chốt dể Microsoft có thành quả ngày hôm nay. Sau 5 năm, từ một công ty đứng thứ 5 với giá trị 200 tỷ USD, Microsoft đã thành công ty giá trị nhất thế giới với định giá 1.100 tỷ USD.
Với chiến lược chú trọng vào trí tuệ nhân tạo, Microsoft xây dựng nên hệ thống trung tâm dữ liệu lớn nhất toàn cầu, bằng cả Amazon và Google cộng lại. Mỗi một năm, Microsoft mua một triệu chiếc máy chủ và năm 2019 chi ra 15 tỷ USD cho hoạt động mua sắm này. Số lượng cáp biển nối các trung tâm dữ liệu của Microsoft là 100.000 km, đủ cuốn 3 vòng trái đất, ông Phạm Thế Trường cho hay.
Cùng quan điểm, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Thông tin VNPT nhận định, hai yếu tố quan trọng của xây dựng nền kinh tế số là nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia và hệ thống định danh điện tử quốc gia. Ông tin rằng Chính phủ sẽ thông qua và ban hành Nghị định về hai đề án này trong năm nay. Bên cạnh đó, Giám đốc VNPT cho rằng, nếu có một quy định về việc chia sẻ định danh giữa các ngân hàng, công ty viễn thông, công ty tài chính và thương mại điện tử thì sẽ có một hệ thống định danh đầy đủ chính xác để phục vụ cho nền kinh tế số.
Về vấn đề chia sẻ dữ liệu, đại diện Microsoft cho biết, Singapore đã đưa hệ thống dữ liệu lên nền tảng điện toán đám mây từ cách đây nhiều năm (trừ dữ liệu về sức khoẻ). "Nói về ngân hàng, nếu cách đây 30 năm, người ta cho rằng gửi tiền ngân hàng là một điều điên rồ thì bây giờ, hỏi những người 8X trở đi, nếu để tiền ở nhà thậm chí người ta không dám ra khỏi nhà. Mọi thứ chuyển đổi cần quá trình", ông nói.
Tổng giám đốc của Microsoft Việt Nam cho biết, hiện tại rất nhiều công ty nói đến việc đưa dữ liệu chia sẻ trên điện toán đám mây, còn ngân hàng thì từ chối, muốn cất dữ liệu trong tổ chức. Ông nhận định, xu thế chia sẻ dữ liệu không tránh được, tuy nhiên cũng không thể đưa toàn bộ lên đó mà sẽ có một mô hình đứng giữa giúp giải quyết vấn đề.
Nói về tầm quan trọng của xây dựng dữ liệu, ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel chia sẻ: "Bao lâu nay như mọi người vẫn nói, dữ liệu là một loại dầu thô". Để khai thác kho dầu thô này hiệu quả, Viettel cũng đã thử nghiệm hợp tác với một số ngân hàng để hỗ trợ xếp điểm tín dụng và đánh giá mức độ rủi ro trong cho vay. Đây là một kênh khá tốt ngoài những dữ liệu truyền thống để ngân hàng ra quyết định.
Đại diện phía ngân hàng, ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, trong năm nay, Chính phủ Singapore có thể cấp phép ngân hàng số (không cần chi nhánh vật lý) cho 5 đơn vị, trong đó có GrabPay. Đây là một thách thức lớn đối với các ngân hàng truyền thống.
Do đó, ông cho rằng bản thân ngân hàng cần phải tự phát triển công nghệ và hợp tác với các đơn vị khác để ứng dụng công nghệ vào các hoạt động. Hiện nay, 70% dân số hiện nay vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Các quy định về eKYC (định danh khách hàng trực tuyến) nếu được sớm ban hành sẽ giúp các ngân hàng có thể mở rộng tệp khách hàng, và trong khi chờ quy định chính thức, ngân hàng cũng cần phải chuẩn bị dần cho cuộc cách mạng này.
Quỳnh Trang