Mua 2 lô liền kề tại dự án Tân Lập (Đan Phượng) mười năm trước, gần đây anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) rao bán trở lại với mức giá cắt lỗ mỗi lô cả tỷ đồng. Tuy nhiên, anh không chắc có thể giao dịch thành công bởi 7 năm trước từng gửi các sàn, cũng như đăng thông tin trên các website suốt cả năm cũng không có người hỏi mua.
Được triển khai từ khoảng năm 2008, đón đầu việc mở tuyến đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, anh Tuấn từng phải mua chênh hơn nửa tỷ đồng mỗi lô đất liền kề tại đây. Tuy nhiên, không lâu sau dự án mở tuyến đường này dừng triển khai vô thời hạn. Thị trường bất động sản cùng lúc đó rơi vào khủng hoảng, nhà đầu tư tháo chạy khiến thanh khoản bất động sản quanh khu vực này đóng băng. Anh Tuấn cùng nhiều người mua khác ôm trái đắng khi dự án không có giao dịch, trong khi công trình xây dở dang mọc rêu mốc theo thời gian.
Cách dự án Tân Lập không xa, phía bên kia Quốc lộ 32, một loạt dự án bỏ hoang nhiều năm, vài tháng nay được nhiều môi giới chào hàng với giá chỉ bằng nửa giai đoạn đỉnh điểm. Khu biệt thự Vườn Cam Vinapol từng là một trong những "tử huyệt" chôn tiền tỷ của nhà đầu tư khoảng chục năm trước khi mỗi m2 đất nền ở dự án này (cuối 2010) có giá 42 triệu đồng. Sau nhiều năm bị quên lãng trên thị trường, giá hiện nay được các nhà đầu tư thứ cấp rao bán vào khoảng 18-20 triệu đồng mỗi m2. Các lô đất được rao bán hầu hết có diện tích trên 200 m2, khách mua đã thanh toán 70% giá trị. Dự án này có diện tích hơn 46 ha, được thiết kế toàn bộ là biệt thự trên 200m2. Chủ đầu tư đã thi công được một số hạng mục của dự án, sau đó bỏ hoang.
Một loạt nhà đầu tư thứ cấp tại một dự án ở An Thượng và An Khánh (Hoài Đức) cũng bắt đầu rao bán các lô đất nền biệt thự, có diện tích dao động 200 - 500 m2. Giá rao bán 20-25 triệu đồng mỗi m2.
"Nhiều năm nay tôi không còn quan tâm đến lô đất này, hợp đồng cất vào két sắt. Tuy nhiên, gần đây, thấy thị trường tốt hơn, quanh dự án nhiều chủ đầu tư lớn đang triển khai rầm rộ. Tôi nghe nói chủ đầu tư dự án cũng rục rịch triển khai trở lại sau 10 năm bỏ hoang có thể khiến người mua quan tâm hơn nên quyết định rao bán", nhà đầu tư tên Quang (ở Cầu Giấy) nói.
Anh Huy, một môi giới chuyên kết nối các giao dịch ở khu vực phía Tây cho biết bắt đầu nhận ký gửi các sản phẩm ở những dự án "đắp chiếu" từ cuối năm 2018 và nhiều hơn là từ đầu năm 2019. Anh đánh giá thị trường khu vực này có những nhân tố khả quan về mặt hạ tầng như tuyến đường 70, Quốc lộ 32 được xây dựng, nâng cấp, mở rộng...
"Bên cạnh đó, thị trường Hà Nội cũng thiếu những sản phẩm đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là các dự án đất nền, vừa túi tiền nhà đầu tư", anh Huy nói. Tuy nhiên, môi giới này cũng cho biết, các mặt hàng này khá kén khách, tùy thuộc vào hạ tầng, diện tích, tỷ lệ hoàn thiện cũng như động thái của các chủ đầu tư. Những dự án đất nền có diện tích nhỏ, và chưa có xây thô thỉnh thoảng có người hỏi mua, song chốt được giao dịch mất nhiều thời gian, đồng thời giá bị ép xuống nhiều so với kỳ vọng của bên bán.
Một môi giới khác cho biết từng nhận ký gửi một số sản phẩm ở các dự án bỏ hoang nhưng rất khó giao dịch. Sau nhiều lần đưa khách đến thăm dự án song không chốt được nên anh không mặn mà với phân khúc này, dù một số người bán "treo giải" sẽ trả hoa hồng gấp đôi thị trường.
"Những dự án khu vực này hầu hết đều diện tích quá lớn, từ 200 m2 trở lên, có lô nền biệt thự còn rộng tới hơn 800 m2 hoặc đã có công trình đang xây dựng dở dang, bỏ hoang nhiều năm. Do đó, dù giá mỗi m2 đã giảm nhiều song vẫn khó tìm được khách mua, đặc biệt trong bối cảnh chính chủ đầu tư các dự án chưa có động thái cụ thể để tái khởi động", môi giới trên nói.
Nguyễn Hà