Lý do là các công ty Việt Nam phải nhập hầu hết nguyên liệu thô như vải, mảnh phản quang từ Trung Quốc. Nên với đơn hàng này, đối tác Việt Nam chỉ có thể bán với giá FOB 55 USD mỗi sản phẩm, trong khi các công ty Trung Quốc đang bán ở mức 27 USD. Rõ ràng, các công ty Trung Quốc dù đã có cộng thêm thuế của ông Trump vẫn có thể bán với phí cạnh tranh hơn.
Do đó, theo các chuyên gia từ Fiin Group, dù chiến tranh thương mại có đang xảy ra thì nhiều khách hàng Mỹ vẫn giao dịch với các đối tác ở Trung Quốc, hoặc từ các công ty FDI có cơ sở sản xuất ở Việt Nam vì giá thông qua những đối tác này vẫn tốt hơn.
Trong giao thương Mỹ - Trung, 4 mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ gồm đồ điện tử; máy móc; đồ nội thất và dệt may, chiếm 61% giá trị xuất khẩu. Đây cũng là 4 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Do có sự tương đồng này và bối cảnh địa chính trị hiện nay nên có một vài chuyển dịch về đơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam của các nhà nhập khẩu Mỹ. Dữ liệu do Fiin Group thu thập ghi nhận sự tăng trưởng về nhập khẩu ở cả 4 mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2019, đặc biệt là máy móc thiết bị điện tăng đến 87%, trong khi Trung Quốc giảm 13%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này lại không thực sự hưởng lợi từ thương chiến như dự báo.
Xuất khẩu dệt may
*Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu quần áo sang Mỹ theo quốc tịch nhà đầu tư, giai đoạn 6/2018-6/2019.
Đây là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào Mỹ. Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu chủ chốt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các công ty nội địa Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong việc xuất khẩu sang Mỹ. Chẳng hạn, với quần áo, các công ty Việt Nam chỉ chiếm 16% giá trị xuất khẩu trong 12 tháng qua.
Giá trị xuất khẩu tăng theo cấp số nhân, nhưng hầu hết nhờ vào các công ty FDI có trụ sở tại Việt Nam. Fiin Group xác nhận các công ty dệt may Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt Trung Quốc và Đài Loan đã xây dựng thêm nhà xưởng tại Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi từ các FTA.
Các công ty dệt may Hàn Quốc 'chiến thắng' lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 143 công ty nước này đang chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ. Hầu hết là công ty con của các tập đoàn sản xuất OEM Hàn Quốc khổng lồ như Hansoll, Sae-A, Nobland và Hansae.
Các tập đoàn này tiến vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21 và phát triển các chuỗi cung ứng được trang bị tốt. Một số công ty như Hansae và Nobland thậm chí thành lập các nhà máy hỗ trợ như nhuộm vải, đóng gói tại Việt Nam để hỗ trợ cho công việc sản xuất chính.
Các công ty nội địa chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong kim ngạch, ở mức 16% từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019. Những công ty sản xuất nội địa lớn như Hà Phong, Gia Phú, Sông Hồng, L&T... mới có đủ năng lực và kinh nghiệm để tiếp cận các khách hàng nước ngoài. Phần còn lại quy mô nhỏ và không đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng nước ngoài về chất lượng, số lượng và chi phí.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện
*Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện theo quốc tịch nhà đầu tư.
Các công ty Hàn Quốc và Đài Loan đóng góp 98% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam về điện thoại và linh kiện, với phần lớn là từ Samsung và Foxconn. Tăng trưởng 87% giá trị xuất khẩu về máy móc, thiết bị điện trong 5 tháng đầu năm cũng nhờ vào hai tập đoàn này. Samsung và Foxconn có mặt ở Việt Nam một thời gian dài trước khi ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Để tránh mức thuế cao, hai tập đoàn này cắt giảm sản xuất ở Trung Quốc và gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam.
Các công ty Việt Nam chỉ đóng góp gián tiếp vào việc tăng trưởng xuất khẩu. Không đủ nguyên liệu thô, kỹ năng và chuỗi cung ứng, hầu hết chỉ sản xuất các linh kiện và phụ kiện điện thoại di động để cung ứng cho Samsung và Foxconn.
Xuất khẩu nội thất và máy móc
Trong hai lĩnh vực này, các công ty dẫn đầu về doanh thu đều được đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, điểm sáng là mỗi lĩnh vực có một công ty Việt Nam nằm trong top 5.
Fiin Group ghi nhận rằng, hầu hết công ty có giá trị tăng trưởng cao nhất đến từ Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Sản phẩm của các công ty này chủ yếu cung cấp cho thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, rất ít công ty Việt Nam có sự tăng trưởng doanh thu đặc biệt trong năm 2018. Giống như dệt may, điện tử, đồ nội thất và máy móc cũng thiếu nguyên liệu thô. Do phải nhập nguyên liệu, phụ tùng từ nước ngoài nên chi phí sản phẩm của các công ty nội địa có thể cao hơn nhiều so với các công ty FDI.
Viễn Thông