Cuối tuần trước, trên trang cá nhân, ông Trump đề nghị các doanh nghiệp Mỹ lập tức tìm phương án thay thế Trung Quốc và yêu cầu đưa công ty về quê hương, sản xuất tại Mỹ.
"Nếu điều đó xảy ra với các công ty Mỹ, dù ở các mức độ khác nhau thì việc bỏ trống thị trường Trung Quốc có lẽ sẽ mở ra khoảng trống cho các công ty Trung Quốc lấp đầy", Stephen Olson - chuyên gia của Hinrich Foundation nhận xét.
Quan trọng hơn, chuyên gia này nói rằng "động thái như vậy sẽ tạo ra sự rạn nứt chưa từng thấy trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới". Sự không chắc chắn này gây bất lợi cho doanh nghiệp cả hai nước. Ông Jake Parke cảnh báo rời khỏi Trung Quốc là bỏ lỡ một cơ hội tăng trưởng toàn cầu quy mô lớn.
"Cách duy nhất để giải quyết những thách thức mà các công ty Mỹ gặp phải khi hoạt động tại Trung Quốc là hai bên tiếp tục đàm phán, đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan, đặt mối quan hệ lên một quỹ đạo ổn định hơn, có thể dự đoán và mang tính xây dựng hơn", ông nêu.
Theo các nhà phân tích, một hệ quả khác của căng thẳng thương mại có thể là các công ty Trung Quốc sẽ giành được thị phần lớn hơn. Dữ liệu đang cho thấy họ đang chuyển sang mua nông sản từ các nước khác, đặc biệt là Mỹ Latinh.
"Với các công ty Mỹ có hoạt động kinh doanh với Trung Quốc, họ sẽ gánh một phần thuế nhập khẩu, hoặc chuyển xuống cho người tiêu dùng. Nhưng họ sẽ mất một phần việc làm ăn về tay các nước khác. Điều này đang diễn ra rồi", Jake Parker - Phó chủ tịch phụ trách Trung Quốc tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung cho biết, "Khả năng chuyển chi phí xuống còn phụ thuộc vào biên lợi nhuận, nguồn cung ứng thay thế và các điều khoản trong hợp đồng cung cấp".
Trong khi các các nhà đầu tư lo ngại về tác động của căng thẳng thương mại leo thang với các tập đoàn Mỹ thì doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm nhiều cơ hội kinh doanh khác.
"Trong ngắn hạn, thuế quan của Mỹ tăng sẽ có tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc. Về dài hạn, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục sẽ tác động đến cấu trúc của chuỗi công nghiệp toàn cầu. Điều này buộc các công ty nội địa thay đổi phương thức sản xuất và thúc đổi chuyển đổi, nâng cấp hoạt động", Wang Zhe - Chuyên gia kinh tế của Caixin Insight phân tích.
Theo ông Wei, Trung Quốc đang củng cố đội ngũ doanh nghiệp của họ bằng 4 cách gồm: tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ; mở các kênh giao thương quốc tế khác thông qua các chương trình như khu thương mại tự do hay sáng kiến 'Vành đai Con đường'; phát triển môi trường hoạt động chất lượng cao hơn cho các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài và thực hiện các chính sách như cắt giảm thuế và phí.
Ông Trump tập trung vào thuế quan như công cụ chính trong tranh chấp thương mại nhưng nó không tạo ra hiệu quả rõ ràng trong việc khiến Trung Quốc thay đổi thái độ. Trong lúc này, phân tích từ Chris Rogers - nhà nghiên cứu tại Panjiva, thuộc S&P Global Market Intelligence, cho biết giá một số hàng hóa như hóa chất, đồ nội thất của Trung Quốc nhập vào Mỹ đang giảm.
"Một số công ty Trung Quốc đang giảm giá hàng bán qua Mỹ", Chris Rogers nói. Ông Wei Jianguo - cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện là phó chủ tịch kiêm phó giám đốc Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế tại Bắc Kinh nói rằng các công ty nước này đang gánh chi phí thuế quan nhưng không nhiều. Đa phần họ đang chờ đợi một giải pháp từ kết quả đàm phán.
Phía doanh nghiệp Mỹ cũng vậy, ông Parker nói một số đang chuyển sang nhà cung cấp khác trong khi số khác vẫn duy trì chuỗi cung ứng và cố gắng cắt giảm lợi nhuận hoặc chuyển chi phí xuống cho người tiêu dùng càng nhiều càng tốt.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lao vào cuộc xung đột thương mại leo thang hơn một năm qua. Tranh chấp ban đầu tập trung vào thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc. Sau đó, các bất đồng mở rộng đến nhiều vấn đề khác, bao gồm cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc mà Mỹ cho là không công bằng hay như việc chuyển giao công nghệ.
Mức thuế trả đũa mới nhất đánh dấu sự đảo ngược với những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thỏa thuận hồi cuối tháng 6, rằng hai nước sẽ không đánh thêm thuế lên hàng hóa của nhau.
"Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có thể không đưa ra một quyết định dứt khoát nào để loại trừ một thỏa thuận thương mại với Trump cho đến sau cuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, họ ngày càng hoài nghi về khả năng Trump có thể là một đối tác đàm phán và không sẵn sàng nhượng bộ đáng kể để xoa dịu ông", Michael Hirson - chuyên gia của Eurasia Group bình luận.
Phiên An (theo CNBC)