Trong kế hoạch kinh doanh năm 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị đang độc quyền xuất bản sách giáo khoa - dự kiến sản lượng phát hành năm nay giảm hơn một triệu bản so với năm trước. Nguyên nhân sự thay đổi này đến từ chủ trương giảm lượng sách tồn kho cuối năm, cộng thêm việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố thông tin chính thức về chủ trương thay mới sách giáo khoa nên các công ty phát hành có tâm lý e dè trong việc đặt hàng.
Đơn vị này ước tính chiếm khoảng 80% thị phần phát hành sách cả nước cách đây hai năm, nhưng con số này liên tiếp giảm và phải “cố gắng giữ vị thế dẫn đầu với 60-70% thị phần”.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Bất chấp những lo ngại về triển vọng tăng trưởng, kết quả kinh doanh của đơn vị này vẫn liên tiếp đi lên.
Báo cáo tài chính năm 2016 (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu thuần 1.080 tỷ, trong đó nguồn thu từ sách giáo khoa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 735 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của riêng sản phẩm này xấp xỉ 130 tỷ đồng. Nguồn thu còn lại đến từ sách tham khảo, sách bổ trợ, buôn bán vật tư...
Doanh thu thuần năm 2017 nhích nhẹ lên hơn 1.110 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần thuyết minh về doanh thu vá giá vốn bán hàng phân theo sản phẩm "lại bị đơn vị này giấu đi".
Dù biên lợi nhuận khá sáng sủa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gần đây lại đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng giá bộ sách hiện hành để đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí và tạo sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. Đây được xem là một trong những giải pháp để nhà xuất bản này hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 4% mỗi năm và cán mốc doanh thu 1.500 tỷ đồng vào năm 2022.
Đơn vị này đang chủ trì và tổ chức biên soạn 495 đầu sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến 12 cho giai đoạn từ nay đến 2020 với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng một bộ. Đồng thời, tập trung phát triển đề án xuất bản điện tử và sản xuất thiết bị trường học để tăng sức cạnh tranh.
Phát hành sách là hoạt động chủ đạo và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh những năm gần đây tăng trưởng đột biến lại đến từ chuyển nhượng, thoái bớt hoặc rút toàn bộ vốn tại những doanh nghiệp không đóng vai trò quan trọng trong hệ thống, kinh doanh không hiệu quả hoặc không có định hướng rõ ràng.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 72 tỷ thì năm sau tăng vọt lên 151 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính, bán tài sản cố định và cho thuê bất động sản.
Tính đến cuối năm 2017, đơn vị này có 10 công ty con hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại sách giáo khoa và thiết bị trường học.
Trong đó, Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hà Nội là doanh nghiệp chịu trách nhiệm gia công in theo đơn đặt hàng sách cung cấp cho khu vực phía Bắc nhưng kết quả kinh doanh lại rất khiêm tốn. Nguồn thu chính của công ty đến từ quá trình hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội. Đây cũng là một đơn vị trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Năm 2017, công ty in hoàn thiện hơn 1,1 tỷ trang sách và ghi nhận doanh thu hơn 20 tỷ đồng. Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, giá vật tư, nguyên nhiên vật liệu, chi phí bảo hiểm cho người lao động... đồng loạt tăng khiến hoạt động ngày càng khó khăn, lợi nhuận chỉ còn xấp xỉ một tỷ đồng.
Hoạt động tương tự, nhưng doanh nghiệp phụ trách khu vực phía Nam là Công ty cổ phần In sách giáo khoa TP HCM lại còn kinh doanh bết bát hơn. Cuối tháng 4, cổ phiếu của công ty bị hủy niêm yết bắt buộc trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội do thua lỗ ba năm liên tiếp với lũy kế hơn 5 tỷ đồng. Doanh thu mỗi năm của công ty cũng chỉ dao động khoảng từ 8-12 tỷ đồng.
Điểm chung của hai doanh nghiệp phục vụ ngành xuất bản là hoạt động phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và mang tính thời vụ. Giai đoạn cao điểm từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau, còn lại thời gian dành sửa chữa, bảo dưỡng máy móc nên doanh thu thường không đủ bù đắp chi phí.
Bên cạnh đó, máy móc in ấn cũng được đầu tư lâu năm nên thường xuyên hỏng hóc. Lao động ngành in khan hiếm, tuyển dụng không đủ nhân sự đứng máy dẫn đến sản lượng trang in không đạt chỉ tiêu.
Phương Đông