Hoá đơn điện tử được triển khai từ năm 2011, song đến nay theo các cơ quan ngành thuế, doanh nghiệp đều thừa nhận việc triển khai còn nhiều vướng mắc.
Tại Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hoá đơn điện tử tổ chức ngày 30/7, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, hoá đơn điện tử chưa được nhiều người biết đến. Vị này lấy ví dụ một số công chức như quản lý thị trường, cán bộ công an ở các tỉnh xa. Do đó, các doanh nghiệp vận chuyển và sử dụng hoá đơn điện tử gặp nhiều khó khăn khi phải giải thích thế nào là hoá đơn điện tử và tính pháp lý của loại giấy tờ này.
Bởi vậy, theo Hiệp hội, việc bắt buộc dùng hoá đơn điện tử phải theo lộ trình để mọi doanh nghiệp, người dân, tổ chức tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, tường tận nhất.
Theo ước tính của Tổng cục Thuế, mỗi năm sử dụng trên 4 tỷ hoá đơn giấy. Ước tính chi phí để in một hoá đơn giấy là trên 1.000 đồng mỗi hoá đơn.
Ông Nguyễn Khơ Din, Tổng thư ký Câu lạc bộ Chứng thực số và Hoá đơn điện tử cho biết việc triển khai hoá đơn điện tử có thể tiết kiệm 70-90% cho doanh nghiệp, không lo mất, hỏng hoá đơn, không lo hoá đơn giả và việc thống kê, báo cáo sẽ đơn giản.... Ngành thuế khi đó cũng dễ hơn trong việc phát hiện hành vi gian lận, trốn thuế, và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên, hiện nay một trong những vấn đề vướng mắc lớn nhất là thiếu tính đồng bộ giữa dữ liệu của cơ quan thuế, kho bạc, bảo hiểm và quản lý thị trường...
Cục thuế Hà Nội cho biết hiện chưa thiết lập được cổng thông tin tiếp nhận dữ liệu hoá đơn điện tử do doanh nghiệp chuyển đến. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử tập trung đang vướng mắc do Thông tư 32/2011 không quy định các doanh nghiệp phải chuyển dữ liệu về cơ quan thuế.
Nguyễn Hà