Dự thảo Nghị quyết các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 được Chính phủ thảo luận tại phiên họp thường kỳ ngày 1/4 nêu một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ được vay không lãi suất để trả lương nhân viên nếu có 100 lao động trở lên, trong đó ít nhất 30% lao động phải nghỉ luân phiên cộng dồn từ một tháng trở lên.
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho vay trên cơ sở thẩm định của ngành lao động, thương binh, xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương. Với chính sách này, ngành lao động dự tính có thể hỗ trợ 3 triệu người trong 3 tháng.
Doanh nghiệp giải thể, phá sản do Covid-19 cũng được vay để chi trả cho người lao động. Số tiền vay lấy từ ngân sách địa phương, tạm ứng cho doanh nghiệp, sau đó được hoàn lại cho Nhà nước thông qua thanh lý tài sản doanh nghiệp. Ước tính ngân sách tạm ứng khoảng 236-1.000 tỷ đồng cho phương án này.
Doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh phải cho người lao động nghỉ việc được vay vốn không lãi suất tới hết năm 2020 trả tiền trợ cấp thôi việc, mất việc. Điều kiện để doanh nghiệp vay trợ cấp thôi việc là có từ 50 lao động trở lên, ít nhất 10% nghỉ việc. Hoặc doanh nghiệp đã huy động hết các nguồn lực, nhưng vẫn không có tiền thanh toán, chi trả lương cho nhân viên.
Ngoài các chính sách với doanh nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cũng đề xuất cho người lao động thất nghiệp, làm việc tự do trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, ăn uống được vay tiền trong 6 tháng để đảm bảo cuộc sống.
Mức vay bằng mức lương tối thiểu vùng, 3,71 triệu đồng một người một tháng. Lãi suất 0%. Bộ này tính toán chính sách này nếu được thực thi sẽ hỗ trợ nửa triệu lao động trong 6 tháng, số tiền 11.000 tỷ đồng.
Hiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát kỹ hoàn thiện để trình Thủ tướng ký ban hành.
Anh Minh