Ông Đặng Tuấn Anh là giám đốc hãng taxi Thành Lợi Group, sở hữu hơn 600 xe taxi hoạt động tại Hà Nội, Hưng Yên và Hà Nam. Gần hai tháng nay, lượng khách sụt mạnh vì dịch bệnh, nhiều xe không chạy phải nằm bãi. Sau đợt dịch lần 4, nhân viên công ty người ở vùng có dịch, người bỏ về quê, doanh thu của hãng taxi hơn 20 năm tuổi nay giảm 80% so với trước dịch.
"Cứ mỗi lần dịch bùng phát, tôi lại làm văn bản gửi các ngân hàng mà công ty đang vay vốn, xin hỗ trợ giảm lãi suất của các khoản vay hiện tại. Thế nhưng, tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung kèm theo thông báo chờ xem xét", ông Tuấn Anh kể.
Doanh thu tụt mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả tiền ngân hàng và các chi phí khác. Ông xoay xở bằng cách vay mượn người thân, bạn bè, bán bớt tài sản, có lúc tìm đến vay nặng lãi để kịp trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Được một nhà băng cho phép cơ cấu nợ 4 tháng, nhưng ông từ chối. Bởi, theo quy định của Thông tư 03 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, thời gian cơ cấu nợ tối đa chỉ 12 tháng. Có nghĩa là, dù được hoãn trả tiền gốc và lãi trong 4 tháng dịch bệnh, số tiền gốc và lãi của 4 tháng này sẽ cộng dồn và chia đều, phải trả trong tối đa 8 tháng tiếp theo.
"Cơ cấu kiểu này tôi không dám. Bởi nợ phải trả hàng tháng sẽ còn lớn hơn, ngay khi hết vài tháng cơ cấu", ông Tuấn Anh nói. Dịch bệnh phức tạp như hiện nay, hồi phục kịp chỉ trong vài tháng để có doanh thu trả nợ ngân hàng là một vấn đề rất khó.
Quy định của Thông tư 03 sinh ra để gỡ khó cho doanh nghiệp, nhưng chẳng giúp ích được nhiều, giám đốc hãng taxi này cho hay. Như với khoản vay của doanh nghiệp phải trả trong 48 tháng, thay vì cơ cấu 4 tháng và giữ nguyên hạn trả nợ, ngân hàng nên lùi hợp đồng thêm 4 tháng, tức để hạn trả nợ thành 52 tháng.
Cùng bức xúc trên, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Công ty X.E Việt Nam cho rằng quy định chỉ cơ cấu tối đa 12 tháng và phải thanh toán hết số này ngay trong một năm từ lúc bắt đầu cơ cấu, là làm khó doanh nghiệp. Ông Nam cho rằng thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng là quá ngắn. Doanh nghiệp có khi mất hằng năm mới hồi phục lại được doanh thu như trước, cho tạm ngưng trả nợ một vài tháng nhưng áp lực nợ tăng ngay sau đó.
Không riêng doanh nghiệp vận tải, từ giữa tháng 6, Hiệp hội Du lịch TP HCM cũng đã kiến nghị nhiều chính sách, trong đó có kiến nghị về Thông tư 03.
Theo hiệp hội, Thông tư 03 quy định thời gian cơ cấu nợ tối đa 12 tháng nhưng thực tế, doanh nghiệp rất khó đáp ứng, đặc biệt khi đợt dịch lần 4 bùng phát mạnh. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) theo Hiệp hội, nên được nới lên 24 tháng kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ...
Thông tư 03 vừa ban hành được vài tháng nhưng quy định cơ cấu nợ lại trở nên "lỗi thời" trước kịch bản dịch bệnh không lường tới.
Thông tư 03 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01, được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong bối cảnh khác hiện nay - khi dịch bệnh Việt Nam đã được kiểm soát tốt.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, cựu Vụ trưởng Tín dụng (Ngân hàng Nhà Nước) cho biết, khi ban hành Thông tư, nhà ban hành hẳn cũng không tính tới kịch bản đợt dịch mới kéo dài và chục nghìn ca nhiễm như hiện nay. Khác với Thông tư 01 ra đời khi cả doanh nghiệp và ngân hàng còn nhiều bỡ ngỡ trước dịch bệnh, việc ban hành Thông tư 03 cũng trong bối cảnh doanh nghiệp và ngân hàng phải có chiến lược phòng thủ.
Ngân hàng Nhà nước tính toán doanh nghiệp có thể hồi phục trong 12 tháng, nhưng với diễn biến khó lường như hiện nay, theo ông Hùng, cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp với diễn biến của dịch.
Tuy nhiên, cựu Vụ trưởng Tín dụng cũng chia sẻ: "Chính sách phải đặt an toàn hệ thống lên hàng đầu". Ngân hàng cũng có cái khó vì thời gian thu hồi nợ càng lâu, tài sản đảm bảo càng xuống giá trị và tiềm ẩn nợ xấu về sau.
Về góc độ ngân hàng, họ cũng không muốn kéo dài thời gian thu hồi nợ lâu vì càng tiềm ẩn rủi ro. Đại diện của một ngân hàng tư nhân cho hay, nhà băng giãn nợ, gia hạn nợ với những khách hàng khó khăn tạm thời, để họ có thời gian phục hồi.
Còn khách hàng khó có khả năng phục hồi hoặc chỉ phục hồi một phần, ngân hàng và khách hàng cần tìm ra giải pháp khác như cắt lỗ sớm để hạn chế chi phí, giảm gánh nặng tài chính. Suy cho cùng, doanh nghiệp vẫn phải trả nợ, nên nếu họ không có khả năng phục hồi thì nên cắt lỗ sớm, giảm gánh nặng trả lãi.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, kiến nghị của doanh nghiệp vẫn chỉ là góc nhìn ngắn hạn. Cơ cấu nợ chỉ là tháo gỡ khó khăn trước mắt, dài hơi hơn là khi dịch bệnh ổn định, làm sao để có vốn vay tiếp tục sản xuất kinh doanh." Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp đã cơ cấu nợ hay đang lỗ thì có ngân hàng nào dám cho vay? Vậy doanh nghiệp cơ cấu xong, làm sao để hồi phục? Cơ cấu nợ chỉ là một phần, vấn đề là có tiếp tục được vay mới không", ông Hùng đặt vấn đề.
Bởi vậy, theo ông, muốn cứu doanh nghiệp phải có bàn tay Chính phủ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng cũng chỉ có thể mức độ nhất định. Theo quan điểm của ông Hùng, nếu cần thiết, Chính phủ cần có quy định về khoanh nợ tương tự Nghị định 55 để ngân hàng có cơ sở pháp lý cho vay mới một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Việc khoanh nợ này cũng đòi hỏi Chính phủ phải dùng ngân sách để trả lãi cho ngân hàng thay doanh nghiệp.
Đề xuất về khoanh nợ cũng được Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên nhắc tới trong một hội thảo gần đây. "Nếu không sản xuất được, nợ của doanh nghiệp sẽ lại thành nợ xấu, không thể vay mới. Vì thế cần có giải pháp khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển", ông Liên chia sẻ.
Cùng với việc cơ cấu khoản vay, giảm lãi suất khoản vay hiện tại vẫn là nguyện vọng tha thiết của rất nhiều doanh nghiệp. Để việc giảm lãi suất hiệu quả hơn, Hội doanh nhân trẻ cũng đã đề xuất giải pháp giảm lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất một năm, trong đó ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.
Quỳnh Trang