Phản ánh trên được doanh nghiệp chia sẻ tại buổi đối thoại doanh nghiệp phía Nam về thủ tục, chính sách thuế và hải quan mới đây.
Đại diện Công ty Khuôn mẫu Lập Phúc cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện là những chi tiết rất đơn giản nhưng phải chịu thuế đến 25%, trong khi nhập khẩu khuôn về thì thuế chỉ 0%. Theo đơn vị này, có những linh kiện mức thuế thậm chí đến 30%, như mô tơ. "Cách tính thuế như trên gây khó khăn cho doanh nghiệp chế tạo máy trong nước", ông nói.
Giải đáp thắc mắc này, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho rằng, đối với một số linh kiện, máy móc được nhập khẩu từ những nước có cam kết, thoả thuận về thuế nên không thay đổi. Ngoài ra, có một số loại phụ tùng có tính chất lắp dẫn, doanh nghiệp nhập khẩu về sản xuất ra sản phẩm khác, vì vậy thuế sẽ cao hơn. Để xử lý vướng mắc của doanh nghiệp về chính sách thuế, hàng năm Bộ Tài chính thực hiện rà soát lại các biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu để điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến trị giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu, đại diện Công ty NTI cho biết, hiện nay cơ quan hải quan căn cứ vào giá người mua phải chịu đã bao gồm cước vận chuyển và phí bảo hiểm để tính thuế, nên giá tính thuế rất cao. Doanh nghiệp kiến nghị bỏ hai loại phí này ra khỏi giá tính thuế.
Về giá trị tính thuế đối với hàng nhập khẩu mà người mua đã phải chịu cước vận chuyển và phí bảo hiểm, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành thông tin, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nên phải tuân thủ đúng các quy định chung của tổ chức này. Trong đó, trị giá hải quan được quy định rõ trong Hiệp định xác định trị giá tính thuế hải quan. Theo đó, trị giá tính thuế bao gồm phí vận chuyển và phí bảo hiểm.
Ngoài những thắc mắc cách tính thuế nhập khẩu hàng hóa, linh kiện, nhiều doanh nghiệp tại buổi đối thoại còn không đồng tình về Nghị định 20 quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, trong khống chế trần lãi vay. Công ty Hải Nam cho biết, doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của ngành Thuế trong việc điều tiết chống chuyển giá đối với doanh nghiệp đa quốc gia. Vì vậy, Nghị định 20 về quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, khống chế trần lãi vay.
"Tuy nhiên, với trường hợp doanh nghiệp không có hoạt động xuyên quốc gia, chỉ đầu tư sản xuất chuỗi sản xuất trong nước nhưng có liên quan đến nhiều công ty con lại bị khống chế lãi vay. Doanh nghiệp mong ngành thuế xem lại quy định trên", ông nói.
Trả lời thắc mắc về vấn đề này, phía Bộ Tài chính khẳng định, quá trình triển khai Nghị định 20 có vướng mắc, cơ quan đang tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, sau đó trình Chính phủ sửa đổi khi Luật Thuế ra đời.
Lệ Chi