Thành lập từ năm 1994, ALC có trụ sở ở TP HCM với hơn 1.000 nhân viên đang làm việc tại hai nhà máy chuyên cung cấp cho thị trường các thiết bị nhà bếp cao cấp mang thương hiệu Casta. Nhận thức được nhu cầu thị trường, năm 2018, ông Lưu Quang Lộc, CEO kiêm chủ tịch ALC quyết định triển khai nhà máy mới trên diện tích 80.000 m2 ở Đồng Nai với mục tiêu tăng gấp ba công suất, cung cấp cho thị trường từ 4.000 đến 12.000 tủ kệ bếp mỗi tháng. Dự án này trị giá hơn 5 triệu euro, với sự tham gia hợp tác về mặt tư vấn kỹ thuật, cung cấp thiết bị của tập đoàn SCM (Italy).
Catsa hiện là mô hình nhà máy được nhiều doanh nghiệp trong khu vực đến tham quan, học hỏi. Quan trọng hơn, nhà máy này đã trở thành điểm sáng trong việc đúng thời điểm làn sóng dịch chuyển đơn hàng tủ kệ bếp, từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bloomberg đánh giá, tủ kệ bếp nhập khẩu trị giá 4,4 tỷ USD là mặt hàng tiếp theo tham gia vào danh sách các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế, hệ quả từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Liên minh Tủ bếp Mỹ cũng kiến nghị lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ, cáo buộc ít nhất 2 tỷ USD bị tổn hại từ các lô hàng Trung Quốc đã xuất trong năm nay.
"Những đơn hàng tủ kệ bếp đã thực sự chuyển sang Việt Nam. Hội đã nhận được những liên lạc từ các đối tác tìm kiếm thông tin doanh nghiệp Việt Nam có thể gia công sản phẩm này", ông Cao Duy Tâm, Trưởng ban công nghệ - Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) chia sẻ. Theo ông Tâm, cái khó của những đơn hàng tủ kệ bếp là doanh nghiệp phải có khả năng sản xuất hàng loạt với số lượng ít nhất 6.000 đến 10.000 cái mỗi tháng. Điều này dẫn đến việc nhu cầu máy móc năng suất cao của doanh nghiệp nội tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc kinh doanh Hồng Ký khẳng định, khi chưa có những đơn hàng tủ kệ bếp thì tỷ lệ đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại cho việc nâng cao năng lực sản xuất cũng đã tăng rất nhanh. Theo số liệu nghiên cứu thị trường từ công ty chế tạo máy này, kể từ năm 2018, do nhiều đơn đặt hàng đồ gỗ xuất khẩu được chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam dẫn đến nhu cầu mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc thiết bị phục vụ cho sự tăng trưởng của các xưởng gỗ. Bên cạnh đó, khối các doanh nghiệp FDI cũng đang đầu tư mạnh vào thành lập xưởng gỗ mới ở Việt Nam. Hai làn sóng vừa mở rộng xưởng, vừa xây mới xưởng khiến nhu cầu trang bị thêm máy móc tăng mạnh trong ba năm trở lại đây, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 18%.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng máy gỗ quý I/ 2109 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, những dàn máy "khủng", độ chính xác cao, kết hợp cả công nghệ mới số hóa từ thiết kế, kỹ thuật, CNC, PLC, robot... cũng được tiêu thụ tăng nhanh.
"Bắt nhịp cùng cuộc cách mạng 4.0, mô hình chuyền hóa, tự động hóa, số hóa trong chế biến sản xuất đồ nội thất là xu hướng tất yếu. Bởi doanh nghiệp trong nước sẽ vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại để đảm bảo chất lượng, đáp ứng đơn hàng đang có, vừa phải gia tăng năng suất, chất xám... để có thể giữ và đón khách hàng mới; lại phải linh hoạt để đón đầu những thay đổi trong tương lai...", ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA nhận xét.
Tám tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu lâm sản Việt Nam đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm khoảng 26,6% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 6,66 tỷ USD. Con số được đánh giá tiềm năng nhưng doanh nghiệp sản xuất thì... xanh mặt với giá nhân công. So với đầu năm, giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng đến 20%. Nhưng, áp lực hơn cả là không thể tuyển đủ nhân công. "Làn sóng FDI tăng đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam, tạo nên nhu cầu nhân lực ngày càng nhiều hơn. Doanh nghiệp trong ngành đã nâng lương nhưng phải cạnh tranh trong thu hút lao động", bà Nguyễn Thị Lành, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hiền chia sẻ.
Ghi nhận tại VietnamWood 2019, triển lãm thiết bị máy móc chuyên ngành chế biến gỗ đang diễn ra tại SECC, TP HCM cho thấy, lượng doanh nghiệp đến tìm hiểu máy móc tăng đột biến. Ông Steven Chen, giám đốc dự án của Chanchao, đơn vị tổ chức, cho biết, những thử thách mới khiến doanh nghiệp mạnh tay đầu tư máy mới hy vọng có thể cải tiến chất lượng, kiểm soát tốt tiến độ, giảm sự lệ thuộc vào lao động, và đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có định hướng đầu tư trước, đến tham quan triển lãm để có cái nhìn tổng thể về công nghệ mới quyết định "xuống tiền".
Hoàng Lâm