2018 được đánh giá là năm nhiều dấu ấn của khởi nghiệp Việt. 92 thương vụ đầu tư, tổng giá trị gần 900 triệu USD đổ vào startup, gấp 3 lần trong năm 2017, theo báo cáo từ Topica Founder Institute. Trong đó, Fintech là lĩnh vực hút vốn đầu tư dẫn đầu, kế đến là thương mại điện tử, công nghệ du lịch, logistics và công nghệ giáo dục.
Làn sóng khởi nghiệp cũng được "hâm nóng" với sự ra đời của nhiều mô hình mới mẻ, sáng tạo, tập trung giải quyết vấn đề xã hội. Khởi nghiệp công nghệ trở thành là xu thế thịnh hành khi ngày càng nhiều sản phẩm ứng dụng trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI), học máy, điện toán đám mây, thực tế ảo, thiết bị thông minh, fintech, nông nghiệp công nghệ cao...
Tính sáng tạo, đột phá của các mô hình kinh doanh khởi nghiệp là xu thế tất yếu trong thời đại số, nhưng cũng vướng phải không ít khó khăn, đặc biệt trong vấn đề đăng ký kinh doanh, nhiều giới hạn trong Luật đầu tư, bất cập trong quy trình thủ tục, giấy tờ. Đây là vấn đề không mới nhưng còn nguyên sức nóng.
Những trăn trở từ cộng đồng khởi nghiệp sẽ được mang ra thảo luận tại Hội thảo chuyên đề Khởi nghiệp sáng tạo, diễn ra sáng 2/5 tại Hà Nội.
Đây là một phần trong Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 diễn ra trong hai ngày từ 2 đến 3/5. Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nhân trẻ sẽ cùng bàn thảo tháo gỡ những khó khăn và đưa ra Hiến kế, tìm giải pháp thúc đẩy sự ra đời và phát triển các mô hình khởi nghiệp mới.
Quan niệm về mô hình kinh doanh mới, cùng thực tiễn đăng ký kinh doanh với các mô hình này tại Việt Nam sẽ được trình bày tại phiên thảo luận. Nhiều chuyên gia quốc tế đại diện ADB, World Bank, Grab... cũng sẽ tham gia, chia sẻ kinh nghiệm ứng xử từ các quốc gia lớn như Singapore, Mỹ, Thái Lan, Malaysia..., từ đó đối chiếu và rút ra bài học đối với hệ sinh thái khởi nghiệp Việt.
Sang Phiên hiến kế, các startup có cơ hội đối thoại trực tiếp với đại diện từ Chính phủ, các bộ, ngành. Tại đây, các khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các mô hình kinh tế mới tại Việt Nam sẽ được phân tích, thảo luận và tìm ra giải pháp. Hiến kế để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể hóa trong việc hoàn thiện khung pháp lý, chính sách sẽ đề xuất ngay tại diễn đàn.
Bên cạnh chủ đề khởi nghiệp, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 cũng sẽ đề cập tới những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, với 6 phiên Hiến kế liên quan tới Du lịch, Nông nghiệp, Kinh tế số, Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn...
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra trong 2 ngày 2-3/5. Với quy mô từ 2.000 đến 2.500 doanh nghiệp tư nhân tham gia, diễn đàn là nơi quy tụ cộng đồng doanh nhân, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm.
Diễn đàn đề cập tới 3 mục tiêu lớn, gồm đánh giá quá trình tổ chức thực hiện sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 10 về phát triển kinh tế tư nhân; quảng bá thành tựu; tạo cơ hội cho khối tư nhân đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ Bluescope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB),Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, Binance, CMC, VNPT, Hiệp Phước, Tomochain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group.
Phạm Vân