Những ngày này, 38 doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có mặt tại 'Global Sources Fashion and Global Sources Lifestyle', triển lãm tìm nguồn cung ứng thời trang lớn nhất của Hong Kong năm nay, để tìm thêm nhà mua hàng thế giới.
"Chúng tôi đã có các đối tác lớn nhưng mục tiêu phải tìm thêm các nhà thu mua mới để có thêm một triệu USD doanh thu mỗi tháng", ông Alvin An - Quản lý cấp cao của DKC Apparel, công ty có vốn đầu tư nước ngoài trụ sở tại quận 12, TP HCM nói và cho biết, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5 triệu USD và 200.000 đơn vị sản phẩm mỗi tháng nên phải tăng tốc tìm thêm đơn hàng. Hiện công ty đang gia công hàng cho Giordano, GAP và Puma.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng đầu năm ước đạt 29,24 tỷ USD, tăng 9,23% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 74% kế hoạch năm 2019. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 3 tháng, áp lực hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD là không nhỏ.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp dệt may, với tình hình nhiều đề nghị đơn hàng nhỏ, ít có đơn hàng lớn mới, cộng với việc giá FOB của Việt Nam cao đang là vấn đề trong việc mở rộng doanh thu.
"Chúng tôi đang sản xuất hàng của Colombia và Decathlon. Chúng tôi cũng muốn tìm thêm nhà mua hàng mới nhưng đơn hàng phải tối thiểu 3000 đơn vị sản phẩm thì mới nhận sản xuất được", đại diện một công ty chuyên may quần áo thể thao có 4 nhà máy tại TP HCM, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Cùng tham dự sự kiện, Giám đốc kinh doanh một công ty chuyên sản xuất ba lô, túi xách và hàng gia dụng bằng vải tại quận Bình Thạnh (TP HCM) nhận định, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang muốn tìm thêm đơn hàng nhưng không ít nhà thu mua quốc tế lại áp giá FOB của Trung Quốc cho Việt Nam.
"Giá FOB của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc nhưng nhiều nhà mua hàng vẫn lấy giá Trung Quốc ra so sánh nên có khi hai bên khó gặp được nhau", ông nói.
Trước đó, một nghiên cứu của Fiin Group cũng cho biết, cùng một mẫu áo phản quang, đối tác Việt Nam chỉ có thể bán với giá FOB là 55 USD mỗi sản phẩm, nhưng Trung Quốc bán ở mức 27 USD. Điều này khiến doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh trực diện, dù là Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng xác nhận, triển vọng của ngành vẫn lớn. Nhu cầu dịch chuyển chuỗi sản xuất, tìm nhà cung ứng mới của các thương hiệu bán lẻ may mặc vẫn tồn tại.
"Tôi cho rằng sẽ có nhiều nhà mua hàng từ Mỹ quan tâm đến nhà sản xuất dệt may Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực may mặc. Sáng hôm nay, chúng tôi có gặp GAP và họ nói chỉ muốn tập trung tìm thêm nhà cung cấp Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng, một số người mua lớn vẫn đang giữ ý định dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến tiềm năng vì năng lực đang tiến tốt", ông Ronald Ng - Tổng giám đốc Global Sources Lifestyle Group cho biết.
Cũng theo ông Ronald Ng, ngành dệt may Trung Quốc và Việt Nam hiện có chiến lược phát triển riêng. Trung Quốc có chi phí sản xuất cao hơn nên dần từ bỏ một số loại sản phẩm vì tính cạnh tranh không cao để hướng đến sản phẩm chuyên biệt, phân khúc khác. Trong khi Việt Nam đang làm rất tốt phân khúc trung cấp.
"Chắc chắn giá FOB của chúng ta cao hơn thì khó tiếp cận nhà mua hàng hơn, nhưng có thể sắp tới họ cũng sẽ dần chấp nhận hơn vì xu hướng đa dạng hoá nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết", Giám đốc kinh doanh của công ty tại quận Bình Thạnh lạc quan.
Không chỉ Trung Quốc, giá FOB của Việt Nam ở không ít mặt hàng cao hơn cả Bangladesh và "ngôi sao đang lên" Campuchia do giá nhân công những nơi này rẻ. Tuy nhiên, năng lực sản xuất dệt may của Việt Nam lớn, số nhà máy liên tục tăng, bao gồm nhà máy có vốn nội địa lẫn nước ngoài. Đó là chưa kể chất lượng sản phẩm được đánh giá cao.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may trên thị trường thế giới, sở hữu trên 2 triệu lao động và đang tạo ra khoảng 200.000 việc làm mới mỗi năm. Giá trị thặng dư thương mại của xuất khẩu dệt may 9 tháng qua đạt 15,24 tỷ USD, tăng 16,77% so với cùng kỳ 2018.
Còn một số cánh cửa khác có thể mở ra nhiều đơn hàng hơn cho ngành này, nếu được tận dụng tốt. Trong một nhận định gần đây, Vitas cho rằng sau 9 tháng hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, mặt hàng dệt may chưa tận dụng được nhiều cơ hội nếu so với nông sản.
Nguyên do là quy tắc xuất xứ hàng dệt may yêu cầu "từ sợi trở đi" trong khi vẫn đang phụ thuộc không nhỏ vào nhập khẩu. Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ C/O của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các cơ quan hữu quan, trong khi các nước thành viên CPTPP đã cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận quy tắc xuất xứ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp dệt may còn đang phụ thuộc vào các kênh triển lãm quốc tế, mối quan hệ riêng để mở rộng khách hàng. Trong khi đó, ông Ronald Ng khuyến nghị doanh nghiệp nên tận dụng triệt để các nền tảng kết nối nguồn cung B2B trực tuyến, một xu hướng mà các nhà mua hàng quốc tế rất quan tâm.
"Chúng tôi cũng đang có ý định đẩy mạnh kênh tìm kiếm bạn hàng qua trực tuyến", ông Alvin An nói.
Viễn Thông