Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị có công cụ quản lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam.
Trong đó, VNPayTV đề nghị cơ quan quản lý không cấp phép cho Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh (Premier League) khi không đảm bảo yêu cầu về Luật Cạnh tranh và yêu cầu về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa. VNPayTV cho rằng, theo quy định hiện hành, một cơ quan được phát sóng các chương trình truyền hình phải được xem là một cơ quan báo chí. Do đó, theo Hiệp hội, Facebook cũng phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm theo quy định của Luật Báo chí.
Theo VNPayTV, việc Facebook độc quyền phát sóng EPL vào Việt Nam dẫn đến vi phạm Luật Cạnh tranh cũng như vi phạm các quy định về quản lý nội dung chương trình truyền hình theo Luật Báo chí. Số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, hiện Facebook có khoảng 60 triệu người dùng ở Việt Nam, doanh thu quảng cáo tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 235 triệu USD mỗi năm.
Kiến nghị này được đưa ra sau khi báo chí quốc tế đưa tin Facebook đã đạt thoả thuận phát sóng trực tiếp Premier League trên nền tảng mạng xã hội của mình tại châu Á, bao gồm cả Việt Nam, Thái Lan... Theo đó, từ mùa giải 2019-2020, người dùng mạng xã hội có thể xem trực tuyến các trận đấu bóng đá Premier League trên Internet. Để đạt được thoả thuận này, Facebook được cho đã chi tới 200 triệu bảng Anh và đánh bại các nhà cung cấp truyền hình hàng đầu tại châu Á như BeIN Sport hay Fox Sport Asia. Mạng xã hội này cũng được phép phát sóng toàn bộ 380 trận đấu của mùa giải và bản quyền phát sóng Premier League kéo dài trong ba mùa bóng. Nhưng việc người dùng mạng xã hội có phải trả phí hay không, cách xem như thế nào vẫn chưa được thông báo cụ thể.
Bên cạnh đó, VNPayTV đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như NetFlix, Amazon.
Ngoài ra, VNPayTV cũng kiến nghị Bộ có những biện pháp chống lại các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ OTT, truyền hình trả tiền trên phạm vi cả nước; xem xét ngăn chặn các hoạt động cung cấp dịch vụ theo cơ chế độc quyền của các đơn vị từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nguyễn Hà