Sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nằm trong số những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực bị tác động tiêu cực từ Covid-19. Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất giảm 50% phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 2020 để kích cầu tiêu dùng.
Hiện mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Mức phí trước bạ với ôtô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP HCM 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con. Chẳng hạn, một chiếc Honda CRV 2020 1.5E giá niêm yết 983 triệu đồng thì phí trước bạ nếu đăng ký tại Hà Nội gần 118 triệu, còn TP HCM là 98,3 triệu đồng.
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ ôtô được Bộ Công Thương đưa ra khi tiêu thụ mặt hàng này giảm nghiêm trọng so với năm ngoái, trong khi tồn kho tăng tới 122,5%. Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ôtô năm 2020 có thể giảm hơn 15%.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp và VAT với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đến hết quý I/2021. Đề nghị này xuất phát từ việc loạt nhà máy sản xuất ôtô của các liên doanh như Honda, Toyota, Ford, Nissan hay các doanh nghiệp nội địa như Vinfast, Tập đoàn Thành Công buộc đóng cửa tới 15/4 hoặc đến khi "dịch được kiềm chế" vì Covid-19.
Cơ quan này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong đó có ôtô với mức giảm 30% so với lãi hiện nay trong 12-24 tháng; cơ cấu lại nợ 18-24 tháng nếu Covid-19 còn kéo dài.
Mặt khác, ảnh hưởng bởi Covid-19 đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Vì thế, hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ, điều kiện cơ cấu lại nợ... của các nhà băng cũng cần đơn giản hơn để doanh nghiệp dễ đáp ứng.
Anh Minh