Đề xuất trên được nhắc đến trong tờ trình bộ này gửi Thủ tướng, với lý do để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã CK: ACV) là doanh nghiệp Nhà nước nhằm "tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không".
Tới ngày 1/4/2019, cổ đông Nhà nước với đại diện là Ủy ban quản lý vốn đang nắm giữ hơn 2 tỷ cổ phần, tương đương 95,4% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại, chiếm 4,6% vốn điều lệ, do các cổ đông tổ chức và cá nhân sở hữu.
Theo đề xuất từ Bộ Giao thông, nếu đưa ACV trở lại là doanh nghiệp Nhà nước, cổ đông Nhà nước phải mua lại hơn 100 triệu cổ phần do các cổ đông khác nắm giữ. Căn cứ theo thị giá cổ phiếu ACV trên sàn chứng khoán, quy mô đợt mua lại có thể lên tới 8.000 tỷ đồng.
Mặc dù đề xuất mới ở mức "nghiên cứu xem xét lộ trình", một số chuyên gia cho rằng khả năng thực hiện không cao, bởi việc cân đối vốn từ ngân sách để mua cổ phiếu theo giá thị trường là không dễ. Còn trường hợp bộ đề xuất mức giá mua lại thấp hơn, không dễ để các cổ đông khác chấp nhận.
ACV, ngay từ khi cổ phần hóa, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là một số quỹ lớn tại Việt Nam. Thực tế, phần lớn lượng cổ phần ACV bên ngoài nằm trong tay các quỹ ngoại và các khoản đầu tư đều đang lãi cao.
Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital - đến cuối 2018 ghi nhận khoản đầu tư cổ phiếu ACV với giá vốn 7,23 triệu USD nhưng giá thị trường gần 44 triệu USD, đứng thứ 9 trong danh mục và chiếm hơn 3% tổng tài sản ròng.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) hay Asset Plus Vietnam Growth Fund cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ACV. Đến cuối tháng 7, VOF, quỹ đầu tư lớn nhất của VinaCapital, nắm giữ hơn 79 triệu USD cổ phiếu ACV, tương đương 8,5% tổng tài sản ròng.
Chốt phiên giao dịch sáng nay (4/9), cổ phiếu ACV giảm 1.900 đồng, tương đương 2,3%. Giá trị vốn hóa của tổng công ty đạt gần 177.000 tỷ đồng.
Minh Sơn