Bộ Thông tin & Truyền thông vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông chứa những nội dung liên quan việc chụp ảnh với chủ thuê bao.
Cơ quan soạn thảo nhận định, việc chụp, bổ sung ảnh thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý. Nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao, đặc biệt là những người đã có thông tin đầy đủ, chính xác như thuê bao trả sau sẽ tiếp tục gây phản ứng. Vì thế, cơ quan này đề xuất cần xem xét, bãi bỏ quy định này.
Trong dự thảo, Bộ đề xuất, thông tin thuê bao mà khách hàng cá nhân phải cung cấp theo giấy tờ tùy thân của cá nhân, gồm họ tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Với các tổ chức, thông tin phải cung cấp cho nhà mạng bao gồm: tên tổ chức, địa chỉ trụ sở, thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao giao cho cá nhân đó sử dụng.
Giữa năm 2017, Nghị định số 49/2017 được ban hành trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011 với nội dung yêu cầu thuê bao bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ bên cạnh thông tin về giấy tờ tùy thân. Đồng thời, hạn chót nhà mạng phải thu thập thông tin thuê bao (trong đó có ảnh chân dung) là ngày 24/4/2018. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4, các nhà mạng mới cấp tập thực hiện quy định này, dẫn đến xuất hiện tình trạng xếp hàng chen lấn ở các phòng giao dịch và quá tải tại các kênh trực tuyến.
Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh được triển khai đã có phản ứng cho rằng như vậy là xâm phạm quyền riêng tư, có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết... Cũng theo cơ quan này, ước tính còn khoảng 38 triệu thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác nhưng chưa có ảnh chân dung chính chủ.
Bên cạnh đó, Bộ cho rằng, để đảm bảo thông tin thuê bao chính xác thì nhất thiết phải có đối soát giữa thông tin do doanh nghiệp viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu thông tin nhân thân đáng tin cậy của cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, trên thế giới mới có 16 trên 147 quốc gia Chính phủ cho phép doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu thông tin của Chính phủ để đối soát như Trung Quốc, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ...
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát. Do đó, theo Bộ Thông tin & Truyền thông, nhà mạng không có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không. Bộ cũng dẫn chứng số liệu của các cơ quan liên quan cho biết, sớm nhất là đến năm 2028 mới có được cơ sở dữ liệu căn cước công dân tập trung trên cả nước.
"Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy, công tác quản lý thông tin thuê bao chỉ phát huy được hiệu quả nếu có sự vào cuộc của Bộ Công an trong việc triển khai và tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối, đối soát với cơ sở dữ liệu về căn cước công dân", cơ quan soạn thảo nêu ý kiến.
Do vậy, Bộ cũng đề xuất xem xét, bổ sung thêm điều khoản quy định trách nhiệm của Bộ Công an về việc xây dựng cơ chế xác thực và hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động xác thực thông tin thuê bao.
Nguyễn Hà