Nửa năm trôi qua, thị trường chứng khoán Việt Nam được giới chuyên gia cho rằng đã qua đáy, dù vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định thị trường vừa trải qua giai đoạn biến động khá tích cực khi chỉ số hai sàn đều tăng điểm tốt so với cuối năm 2012. Dù vậy, dòng tiền chủ yếu vẫn mang tính chất đầu cơ, thường tập trung ở những cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng lợi nhuận lạc quan.
Về triển vọng 6 tháng cuối năm, VCBS nhận định phải cuối quý III, thị trường chứng khoán mới khởi sắc rõ nét nhờ các thông tin hỗ trợ như tăng trưởng tín dụng, GDP. Còn nửa đầu quý III, xu thế chủ đạo vẫn là tích lũy, giằng co. Nguyên nhân chính là thị trường đã tăng điểm tốt trong hai tháng đầu quý II, thông tin vĩ mô tốt vẫn chưa xuất hiện và tâm lý nhà đầu tư cũng đang thận trọng.
Cũng theo báo cáo của VCBS, dòng tiền tiếp tục có sự phân hóa và tăng điểm không đồng đều giữa các cổ phiếu do còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhóm ngành nổi bật sẽ thuộc lĩnh vực đặc thù, nhận nhiều sự ưu ái từ chính sách như dầu khí hóa chất, xây dựng cơ bản hoặc ít chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế như hàng tiêu dùng, thực phẩm, cao su, các chuyên gia của VCBS khuyến nghị.
Về động thái của các nhà đầu tư nước ngoài, theo VCBS, sẽ khó có chuyện dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường như hồi đầu năm. Trong những năm gần đây, chu kỳ giải ngân mạnh của khối ngoại vào thị trường thường không hướng vào 6 tháng cuối năm. Đồng thời, P/E Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực cho thấy sức hấp dẫn của thị trường phần nào giảm bớt.
VCBS dự báo, đà dẫn dắt của thị trường nửa cuối 2013 chủ yếu đến từ dòng vốn nội trong bối cảnh lãi suất đã điều chỉnh về mức thấp. Đồng thời, nền kinh tế cũng được ổn định và tình hình sản xuất doanh nghiệp được cải thiện. Với triển vọng như vậy, thời điểm này là thích hợp cho việc đầu tư trung và dài hạn, VCBS khuyến nghị.
Trước đó, thị trường chứng khoán từng có giai đoạn bứt phá mạnh và rõ rệt nhất ở nửa đầu quý I khi hàng loạt thông tin vĩ mô tốt ra đời như kiềm chế lạm phát, đề án mua bán nợ VAMC được thông qua. Đồng thời, nhiều chuyên gia quốc tế khi đó liên tiếp đưa ra báo cáo đánh giá Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất khu vực châu Á giúp dòng vốn ngoại đổ mạnh vào chứng khoán. Những mã blue-chip gây hiệu ứng lan tỏa cả thị trường luôn là tâm điểm.
Sang tháng 5, khi dòng vốn ngoại bắt đầu suy yếu, các luồng tiền nội lên ngôi và lại tạo ra cơn sóng mới cho thị trường. Theo nhận định của VCBS, điều này bắt nguồn từ một số yếu tố như lãi suất huy động giảm mạnh, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn với dòng tiền. Chưa kể thị trường còn đón nhận một số thông tin tích cực từ chính sách như gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội trị giá 30.000 tỷ đồng và Thủ tướng chính thức ký quyết định thành lập VAMC.
Sang tháng 6, sau khi lập đỉnh mới ở 527,97 điểm, Vn-Index quay đầu giảm điểm khá nhanh. VCBS cho rằng bên cạnh áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng điểm trước đó, thị trường còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ khối ngoại với diễn biến thế giới và làn sóng rút vốn khỏi thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực châu Á.
Tuy nhiên, về động thái khối ngoại, tính chung nửa năm qua, xu thế chủ đạo trên hai sàn vẫn là mua ròng. Theo số liệu từ hai sở giao dịch, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng hơn 4.400 tỷ đồng, ứng với hơn 170 triệu cổ phiếu. “Điểm nóng” tập trung chính vào quý I. Đồng thời, việc các quỹ ETF đánh giá lại danh mục cũng là động lực chính khiến khối ngoại giao dịch mạnh trên sàn.
Thống kê của VCBS cho thấy, trong danh sách 10 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất nửa đầu năm, tới 8 mã thuộc danh sách của Vietnam ETF (VNM) và FTSE Vietnam ETF, gồm VIC, GAS, MSN, HPG, DPM, MBB, PET, PVS, VCG và CSM. Ở chiều ngược lại, CTG và HAG chịu áp lực bán ròng mạnh nhất sau khi bị FTSE Vietnam Index loại khỏi danh mục.
Còn nhận định của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã CK: SHS) cho rằng, Vn-Index năm nay sẽ đóng cửa cao hơn so với năm 2012 và xu hướng thị trường sẽ tích cực dần về cuối năm.
Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia phân tích của Chứng khoán SHS cho biết thêm, các yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn là những thông tin vĩ mô đã có sẵn như giảm lãi suất, nới room khối ngoại, VAMC hoạt động tích cực vào quý IV. Thông thường, những thông tin này gần như phản ánh vào giá cổ phiếu từ đầu năm, nhưng để tác động thực sự lại phải chờ đến cuối năm, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo đó, dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò chính tạo thêm tâm lý hào hứng cho các nhà đầu tư trong nước. Động thái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư ETF vào cuối quý II đã tác động không nhỏ đến giá một số cổ phiếu, chẳng hạn trường hợp của PPC, PET hay CSM.
Chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SHS nhận định, dòng tiền do khối ngoại đổ vào thị trường đầu năm đến nay lên tới 278 triệu USD, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, rủi ro từ hoạt động đầu tư của khối ngoại vẫn tồn tại do nguồn vốn này không ổn định, luân chuyển nhanh, đặc biệt với những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, chuyên gia tại Chứng khoán SHS cảnh báo.
Đầu năm đến nay, Vn-Index tăng gần 20% trong khi HNX-Index cũng tích lũy thêm 5%. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/7, hai sàn cùng giảm điểm, Vn-Index chốt tại 494,18 điểm còn HNX-Index về 62,19 điểm.
Tường Vi