Hai chị em Susanne Klatten và Stefan Quandt sở hữu gần nửa cổ phần hãng xe BMW. Dù vậy, trách nhiệm và sự ghen tị của người khác khi cả hai được thừa kế khối tài sản lớn luôn là sức ép với họ.
"Rất nhiều người cho rằng cả ngày chúng tôi chỉ ngồi trên du thuyền đi quanh Địa Trung Hải", Klatten cho biết trong một bài phỏng vấn hiếm hoi trên Manager Magazin, "Vai trò người quản lý tài sản cũng có những mặt không hề dễ chịu chút nào đâu".
Cha của Klatten - Herbert Quandt đã góp phần giải cứu BMW cuối thập niên 50. Hiện tại, Klatten (57 tuổi) là người giàu nhì Đức, với số tài sản trị giá 18,6 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Bà còn gây dựng tài sản thông qua công ty hóa chất Altana và công ty sản xuất carbon SGL Carbon.
Trong khi đó, Quandt (53 tuổi) hiện có tài sản 15,5 tỷ USD. Ngoài BMW, ông còn có cổ phần trong công ty logistics Logwin và hãng dược phẩm Heel. Cả hai chị em Quandt đều nằm trong ban kiểm soát của BMW.
"Với cả hai chúng tôi, tiền chắc chắn không phải là động lực. Trên hết, đó là trách nhiệm bảo đảm số việc làm ở Đức", Quandt nói.
Cả hai cho biết họ cảm thấy thoải mái với vai trò của mình. Nhưng thời kỳ đầu, họ cũng phải chật vật với việc đảm nhận các vị trí cấp cao khi còn trẻ. Quandt tham gia vào ban kiểm soát khi mới 30 tuổi. Ông cho biết mình chỉ muốn làm giám đốc sản phẩm "đơn giản" ở công ty nào đó trong vài năm, hoặc học kiến trúc.
"Điểm xuất phát của tôi không bao giờ như thế này: Được rồi, tôi sẽ chỉ cho mọi người thấy việc này nên làm thế nào", Quandt nói, "Thay vào đó, nó là một chuỗi câu hỏi không hồi kết, đi kèm với sự ngờ vực chính mình". Còn Klatten thì được giới truyền thông chú ý từ năm 1978, khi cảnh sát phá vỡ một kế hoạch bắt cóc bà và mẹ Johanna.
Trên Manager Magazin, bà cho rằng việc phân phối lại tài sản không có tác dụng. Và một xã hội công bằng sẽ cho phép mọi người theo đuổi cơ hội theo khả năng của mình. "Tiềm năng của chúng tôi đến từ chính vai trò là người thừa kế. Chúng tôi vẫn đang phát triển nó và nỗ lực làm việc mỗi ngày", bà nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)