Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau vào 11h30 sáng mai (giờ địa phương) bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản). Hai lãnh đạo sẽ bàn bạc hàng loạt vấn đề, với ưu tiên hàng đầu là thương mại.
Đây là cuộc gặp rất được chờ đợi, không chỉ tạo nền tảng cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc, mà còn tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. "Rõ ràng, cuộc gặp gây hồi hộp nhất, về phương diện ảnh hưởng đến thị trường và kinh tế toàn cầu là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập", Michael Hirson - Giám đốc khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á tại hãng tư vấn Eurasia Group cho biết.
Rất nhiều chuyên gia dự báo hai lãnh đạo có khả năng "đình chiến". Tuy vậy, ông Trump cũng ám chỉ có thể áp thêm thuế mới lên Trung Quốc nếu không có được điều mình cần. "Tôi cho rằng nhiều người có thể đang lạc quan quá, vì chặng đường phía trước còn rất khó khăn", Hirson nhận định.
Eurasia Group không phải tổ chức duy nhất hạ thấp kỳ vọng về cuộc gặp này. David Adelman - cựu đại sứ Mỹ tại Singapore cũng dự báo kết quả tương tự như cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc tháng 12/2018. Khi đó, hai nước đồng ý đình chiến để đàm phán thỏa thuận thương mại. Dù vậy, "kịch bản năm nay khó khăn hơn, vì sau lần đó, rất nhiều việc đã diễn ra".
"Tôi cho rằng Mỹ sẽ vẫn đánh thuế, có thể không phải ngay lập tức, với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa", Hirson dự báo. Vòng thuế này sẽ có tác động mạnh nhất đến các hộ gia đình Mỹ.
Ngoài thuế nhập khẩu, chính phủ Mỹ cũng đang trừng phạt lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là các động thái lên đại gia viễn thông Trung Quốc - Huawei Technologies.
Nhiều người cho rằng ông Tập sẽ đưa Huawei vào thỏa thuận với Mỹ. CNBC trích nguồn tin thân cận cho biết Huawei là ưu tiên lớn của Trung Quốc trong cuộc gặp này.
Không chỉ có ý nghĩa với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc gặp này còn là sự kiện quan trọng của toàn cầu. Chiến tranh thương mại đã gây ảnh hưởng đến hàng loạt nền kinh tế, và làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trên thế giới.
Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Jose Angel Gurria hôm nay cho biết trên CNBC rằng nếu cuộc gặp thất bại, nó sẽ gây ra tác động "phá hủy". "Ảnh hưởng sẽ lan sang mọi nền kinh tế trên thế giới. Vì cả Mỹ và Trung Quốc đều có quan hệ sâu rộng với các nước còn lại. Tác động tiêu cực là không thể tránh", ông nói.
Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn cảnh báo việc áp thuế và dọa đánh thuế có thể khiến GDP toàn cầu mất 0,5% năm 2020. Charles Freeman - Phó chủ tịch phụ trách châu Á tại Phòng thương mại Mỹ cho rằng thuế nhập khẩu không chỉ gây ra thiệt hại trong ngắn hạn, mà còn tạo ra bất ổn với doanh nghiệp trên cả thế giới.
"Đây không chỉ là bất ổn của Mỹ và Trung Quốc. Nó là bất ổn của toàn cầu", ông nói, "Doanh nghiệp ghét sự thiếu chắc chắn. Điều này không có lợi cho bên nào cả".
Tại G20 hôm nay, ông Tập cảnh báo việc một số nước phát triển theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ đang gây ra xung đột thương mại và gián đoạn kinh tế. "Tất cả những việc này đang hủy hoại trật tự thương mại toàn cầu. Việc này còn ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước chúng ta, đe dọa hòa bình và ổn định cả thế giới", ông cho biết trong một cuộc gặp của lãnh đạo nhóm nước mới nổi (BRICS) bên lề G20 hôm nay.
Trung Quốc không phải là bên duy nhất cảm nhận được sức ép kinh tế từ chiến tranh thương mại. Nhiều công ty Mỹ cũng đang gánh thiệt hại từ cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington.
Đầu tháng này, Apple được cho là đang cân nhắc chuyển bớt sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh gánh nặng thuế Mỹ, Wall Street Journal cho biết. Nhiều công ty khác cũng có ý định tương tự, do căng thẳng keo thang. Dù vậy, "việc chuyển dây chuyển sản xuất đi nơi khác rất khó. Rất nhiều thành viên của chúng tôi đã tính toán chi phí và nói rằng nếu chuyển được, họ sẽ chuyển", Freeman cho biết.
Danh tiếng của Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng vì chiến tranh thương mại kéo dài. Vì khi đó, soanh nghiệp sẽ đánh giá nền kinh tế lớn nhất thế giới "không đáng tin cậy".
Mục tiêu của G20 là mang các nền kinh tế lớn nhất thế giới đến gần nhau, có các cuộc thảo luận mag tính xây dựng và tránh suy thoái toàn cầu. Dù vậy, với Adelman, hội nghị tuần này giống "G-2 nhiều hơn". Vì cuộc gặp Trump - Tập "gần như được coi là thượng đỉnh rồi".
Hà Thu (theo CNBC/Reuters)