Hiện nay, marketing online vẫn được coi là công cụ có tác động rất lớn tới doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Song với nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp, các hình thức marketing online, chăm sóc khách hàng bộc lộ một số nhược điểm sau một thời gian sử dụng.
Ông Bùi Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Trà Sương Mai Thái Nguyên cho biết, để đẩy mạnh doanh số, phòng Marketing của công ty phải tăng cường hình thức chăm sóc khách hàng qua điện thoại, tin nhắn SMS, email marketing. Tuy vậy, các hình thức trên dần hiệu quả không cao, trong khi chi phí bỏ ra khá lớn.
"Một tin nhắn hiện tại rẻ cũng 400 - 500 đồng nhưng thường phải nhắn qua các nhà mạng. Thêm vào đó, tỷ lệ chuyển đổi thấp, mất công lọc và theo dõi khách hàng. Tiếp thị qua email giai đoạn đầu khá ổn, song đến thời điểm này, do bị lạm dụng nên trở thành kênh spam, tính tương tác thấp", ông Hùng nhận định.
Bà Đặng Thị Vân - Giám đốc một công ty kinh doanh dược phẩm cho biết các công cụ Marketing online như Facebook Ads (quảng cáo Facebook, sử dụng KOLs (key opinion leaders - người có ảnh hưởng lớn) từng rất hiệu quả nhưng không còn là phương pháp tối ưu.
Theo số liệu nghiên cứu của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo trên 5.000 cửa hàng, top 5 kênh bán hàng được sử dụng phổ biến nhất là Facebook, chiếm 87%.
Trong đó, một trong những nền tảng ứng dụng của Facebook được tạo ra để hỗ trợ các doanh nghiệp tương tác nhiều hơn với các khách hàng tiềm năng là "trợ lý ảo" Chatbot. Những công cụ này có thể trả lời, phản hồi khách hàng 24/7 ở nhiều lĩnh vực như tiếp thị, bán hàng online, dịch vụ bán lẻ, đặt vé, đặt phòng, thanh toán, truyền thông, tư vấn, chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc người mua hàng...
Anh Trịnh Thế Anh, một người đã ứng dụng chatfuel (chatbot quốc tế) vào kinh doanh vài năm nay cho biết chatbot quốc tế là một trong những công cụ marketing online khá hiệu quả nhưng bộc lộ không ít nhược điểm. Trong hoàn cảnh này, sử dụng công cụ chatbot tự động để chốt đơn hàng, hỗ trợ thanh toán, tự động tiếp thị sản phẩm, kiểm tra các đơn hàng liên tục của khách, trả lời câu hỏi của khách hàng... đang là xu hướng bán hàng được nhiều chủ cửa hàng, công ty lựa chọn. Trên thị trường hiện tồn tại nhiều sản phẩm chatbot do cả trong nước lẫn nước ngoài phát triển.
"Với chatfuel, tôi chỉ cần lên kịch bản, thay đổi thông tin là có thể chạy được. Nhưng khi số lượng khách hàng tăng lên, từ 5.001 người dùng (user) trở lên sẽ phải trả tiền. Lượng user càng cao, chi phí bỏ ra càng lớn, 5 triệu user phải trả khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi tháng", anh Thế Anh cho biết.
Ngoài ra, chatfuel còn khó khai thác vòng đời khách hàng, trong khi đây được coi là yếu tố tạo ra lợi nhuận cho người kinh doanh; khó tối ưu lượng khách hàng "ảo" dẫn đến tình trạng bị hoàn đơn, khách không nhận, không tìm được địa chỉ khách hàng...; không có hệ thống chăm sóc khách hàng, hệ thống tự đặt lịch chăm sóc theo chuỗi thời gian.
Để giải quyết những vấn đề của chatfuel truyền thống, một nhóm bạn trẻ người Việt đã sáng tạo ra Bot Bán Hàng, một sản phẩm thuần Việt với giá thành hợp lý, dung lượng data lớn, nền tảng ổn định.
Với Bot Bán Hàng, các chủ cửa hàng hay cơ sở kinh doanh có thể dễ dàng thay đổi kịch bản, phù hợp với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
"Bot Bán Hàng mang những tính năng đặc trưng của một nền tảng quản lý bán hàng như bán hàng tự động trên Messenger, tối ưu hóa quản lý nội bộ và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, chatbot này còn có tính năng quản lý quan hệ khách hàng (CRM), tạo data khách hàng và tự động tiếp thị sản phẩm. Khách hàng mua hàng có thể thực hiện thanh toán ngay trên chatbot mà không cần chuyển đổi sang giao diện khác", nhà đồng sáng lập Bot Bán Hàng Lê Anh Tiến cho biết.
Ứng dụng được lập trình và đào tạo để thu thập tư liệu người dùng, phân tích hành vi, sở thích mua sắm, những mối quan tâm của khách hàng cũng như có khả năng đưa ra các dự báo để marketing tự động cho sản phẩm.
Ứng dụng được sử dụng phổ biến và đa dạng trong các lĩnh vực tư vấn, chăm sóc người dùng, marketing, quảng cáo, trả lời khách hàng...ở tất cả các nhóm ngành, sản phẩm, dịch vụ như: ẩm thực và đồ uống, sản phẩm công nghệ, điện gia dụng, nông sản, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang, đồ chơi, nhà cửa, sách, văn phòng phẩm, quà tặng, kiến trúc...
Theo anh Thế Anh, công cụ Bot Bán Hàng có khả năng tự động phân loại khách hàng, phân tích khách hàng theo hành vi và xử lý được những vấn đề mà chatbot truyền thống chưa thực hiện được.
"Khi thông tin khách hàng được thêm vào Bot Bán Hàng, đó là một tài khoản thực thụ. Các khách qua các kênh khác nhau được phân loại thành từng nhóm để chăm sóc và phục vụ trọn đời", anh Thế Anh mô tả. Với việc phân loại này, chủ cửa hàng sẽ biết được tâm lý, nhu cầu của khách hàng, từ đó có chiến lược chăm sóc phù hợp.
Một yếu tố giúp Bot Bán Hàng "ghi điểm" với khách hàng là nền tảng tương tự giao diện sàn thương mại điện tử, có thể đưa hàng nghìn sản phẩm vào chatbot, giúp khách hàng lựa chọn được các sản phẩm họ muốn theo nhu cầu. Bên cạnh đó, đội ngũ Bot Bán Hàng cũng đưa vào vận hành một số công cụ hỗ trợ các chủ công ty và các đại lý của họ như Bot Viral.
Với công cụ Bot Viral, các chủ cửa hàng có thể lan truyền thông tin dưới dạng minigame chia sẻ, thông qua việc tặng những phần quà thực tế cho người dùng chia sẻ thông tin cho bạn bè, từ đó thu hút khách hàng tiềm năng.
Công cụ này của Bot Bán Hàng giúp chị Vân dễ dàng truyền thông, trao đổi thông tin với các đại lý kinh doanh sản phẩm một cách trực tiếp, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Với anh Thế Anh, khi áp dụng công cụ này, việc kinh doanh đã tăng trưởng tốt trở lại.
"Tôi đã không còn cảnh phải lo lắng làm sao để sắp xếp lại các trường thông tin khách hàng, kiểm tra lại độ chính xác, lọc trùng khách hàng nữa. Việc nay cũng giúp tiết kiệm chi phí nhân sự đáng kể. Tôi cũng không cần lo lắng về vấn đề sử dụng và khai thác vòng đời khách hàng", anh Thế Anh chia sẻ.
Sau hơn 4 tháng sử dụng công cụ Bot Bán Hàng, số lượng đơn hàng của Công ty Trà Sương Mai của anh Hùng đã tăng khoảng 20 - 30%. Trong khi đó, công ty của anh Thế Anh dự kiến cho ra một triệu đơn hàng mỗi ngày sau Tết âm lịch nhờ Bot Bán Hàng.
Sau hơn một năm hoạt động, Bot Bán Hàng đã thu hút hơn 200.000 người dùng, được định giá 20 tỷ đồng. Dự án cũng góp mặt trong Top 5 Bình chọn Startup Việt do VnExpress tổ chức. Đồng thời, công ty xuất sắc nhận giải thưởng công nghệ của Grab trị giá 100 triệu đồng cùng hợp đồng sử dụng sản phẩm ký với Grab.
Hà Trương