Các nhà máy tại Abqaiq và Khurais - trung tâm sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công bằng máy bay không người lái hôm thứ bảy tuần trước, khiến nguồn cung toàn cầu mất 5%. Việc này khiến giá dầu Brent sáng nay tăng hơn 19% và WTI tăng 15% lên cao nhất 4 tháng.
Giới phân tích cho rằng mức độ nghiêm trọng của vấn đề sẽ còn phụ thuộc vào việc giá tăng kéo dài trong bao lâu. Dù vậy, diễn biến này cũng sẽ khiến niềm tin kinh doanh và tiêu dùng càng đi xuống, trong bối cảnh nó vốn đã mong manh vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và nhu cầu toàn cầu chậm lại. Sản xuất trên toàn cầu giảm cũng đang kéo tụt tăng trưởng tại các cường quốc xuất khẩu như Trung Quốc và Đức.
"Cú sốc nguồn cung sụt giảm, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đi xuống và các điểm nóng địa chính trị bùng nổ, là điều chúng ta không mong muốn", Rob Subbaraman - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Nomura Holdings cho biết.
Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt tín hiệu cảnh báo. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Theo IMF, GDP toàn cầu có thể chỉ tăng 3,2% năm nay, 3,5% năm tới.
Số liệu công bố hôm nay cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ năm 2002. Các nền kinh tế mới nổi phải giải quyết thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai, như Ấn Độ hay Nam Phi, thì lại đang đối mặt với rủi ro dòng vốn rút đi và nội tệ yếu.
Khi giá dầu tăng vọt, chính phủ và doanh nghiệp tại các nước xuất khẩu dầu sẽ có thêm nguồn thu. Trong khi đó, các nước tiêu thụ sẽ bị tăng chi phí, từ đó khiến lạm phát tăng và nhu cầu giảm. Là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại từ việc giá tăng vọt. Nhiều quốc gia khác tại châu Âu cũng đang phải dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.
Dù vậy, lạm phát hiện không phải mối lo trực tiếp của kinh tế toàn cầu. Lo ngại lớn hơn là tác động của cú sốc giá lên nhu cầu toàn cầu vốn đang rất yếu. Louis Kuijs - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Oxford Economics nhận xét: "Sản xuất thiếu hụt và giá tăng sẽ bóp nghẹt khả năng mua hàng, gây sức ép lên chi tiêu trong thời điểm bấp bênh của kinh tế toàn cầu". Một nghiên cứu của IMF năm 2017 chỉ ra nếu giá dầu tăng hơn 10% và duy trì trong một năm, GDP toàn cầu sẽ giảm 0,1% trong 2 năm.
Tin tức từ Saudi Arabia đã làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương toàn cầu nới lỏng tiền tệ. David Mann - kinh tế trưởng tại Standard Chartered cho rằng "Chúng ta sẽ thấy các ngân hàng nới lỏng nhiều hơn trong vài tuần tới".
Thống đốc Ngân hàng trung ương Philippine Benjamin Diokno hôm nay cho biết việc giá dầu tăng sẽ được bàn bạc trong cuộc họp về lãi suất tuần tới của cơ quan này. Bank Indonesia cũng có cuộc họp chính sách tuần này. Từ trước đó, phần lớn nhà kinh tế đã dự báo cơ quan này hạ 0,25% lãi suất.
Hà Thu (theo Bloomberg)