Phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu DQC của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tăng trần gần 7%, còn cổ phiếu RAL của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông gần chạm mức giá sàn.
"Vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông không chỉ thiệt hại 150 tỷ theo ước tính của ban giám đốc mà còn cuốn đi kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về doanh nghiệp này", Lê Hằng, bộ phận tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ. "Rạng Đông sảy chân, sự chú ý hướng vào Điện Quang cũng là điều dễ hiểu".
Rạng Đông và Điện Quang không phải hai cái tên xa lạ. Hai doanh nghiệp so kè trong ngành công nghiệp chiếu sáng, cũng là hai cái tên nội địa hiếm hoi có thể cạnh tranh sòng phẳng với những sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, sự cố với Rạng Đông có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm của công ty này, cũng khó tạo cơ hội cho Điện Quang bứt lên vì khủng hoảng hai năm gần đây chưa được giải quyết.
Liên tục từ cuối 2016, báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đưa ra dự báo không mấy tích cực với Điện Quang. Không chỉ ảnh hưởng về mặt quản trị, liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa, hoạt động kinh doanh chính của công ty cũng trên đà suy giảm.
Mặc dù doanh thu vẫn tăng, và đạt trên ngưỡng nghìn tỷ, lợi nhuận của Điện Quang đã giảm liên tiếp bốn năm, sau khi đạt đỉnh 2014. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ còn hơn 110 tỷ đồng, giảm gần 65% so với mức đỉnh bốn năm trước. Biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của Điện Quang cũng giảm từ mức 35%, xuống dưới 20% do không còn lợi thế từ việc thanh toán lô hàng tồn giá vốn thấp.
Hệ quả là Điện Quang đánh mất vị thế so với chính đối thủ Rạng Đông trên sàn chứng khoán. Trước 2014, vốn hóa của Điện Quang thường gấp đôi Rạng Đông do quy mô vốn điều lệ cao hơn. Nhưng khoảng cách này bị san lấp vào giữa năm 2015 và một năm sau đó, vốn hóa Điện Quang chỉ bằng một nửa Rạng Đông. Tính tới phiên gần nhất, thị giá cổ phiếu RAL gấp gần bốn lần DQC.
Về phía Rạng Đông, từ "khó lường" được công ty này mô tả để nói về sự thay đổi của thị trường thiết bị chiếu sáng trong phiên họp thường niên 2019.
Năm 2015, các sản phẩm truyền thống đem về 69% tổng doanh thu cho công ty này, nhưng đến năm 2018, tỷ lệ giảm còn 16,6%. Các sản phẩm LED bù đắp cho sự sụt giảm, nhưng công ty cũng phải chi ra nhiều hơn để làm thị trường. "Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 tăng 25,6% so với kế hoạch nhưng giảm 4,5% so với cùng kỳ, là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ khó khăn cho tăng trưởng bền vững", ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch Rạng Đông nói trong phiên họp.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI), Rạng Đông và Điện Quang đang nắm giữ lần lượt 11% và 9% thị trường đèn LED Việt Nam. 80% phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp lắp ráp, hàng nhập khẩu (62%) và doanh nghiệp FDI (18%).
Nhưng sự cố cháy nhà máy mới thực sự khiến Rạng Đông nguy cấp. Uớc tính sơ bộ từ phía công ty, thiệt hại từ vụ cháy khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, tác động thực tế có thể lớn hơn con số này. Điều này là bởi cấu trúc tài chính của Rạng Đông, với một mô hình khác hoàn toàn so với Điện Quang.
Kết thúc quý II, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của Rạng Đông xấp xỉ 70%, còn với Điện Quang con số này chỉ bằng một nửa. Ở khía cạnh hiệu suất hoạt động, dù doanh thu của Rạng Đông trong nửa đầu năm nay gấp hơn bốn lần Điện Quang và biên lợi nhuận gộp cao hơn, nhưng thực tế, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu cả hai doanh nghiệp này lại gần tương đương nhau.
Hai chi tiết này nói lên một điều, Rạng Đông đang sử dụng đòn bẩy từ nợ vay để khuếch đại hiệu suất hoạt động, nhưng đồng thời cũng đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần. Minh chứng cho điều này là chi phí lãi vay của Rạng Đông gấp 10 lần Điện Quang, còn chi phí bán hàng gấp hơn 6 lần.
Sử dụng đòn bẩy cao là cách để đi nhanh hơn đối thủ, cũng là cách mà Rạng Đông đã vượt qua Điện Quang chỉ trong vài năm ngắn ngủi gần đây. Tuy nhiên, sử dụng đòn bẩy tài chính vốn được giới phân tích gọi là "con dao hai lưỡi", bởi nếu hệ thống gặp vấn đề, tác động cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Diễn biến giá cổ phiếu gần đây đã cho thấy sự lo ngại của giới đầu tư về triển vọng của công ty. "Thị giá RAL đã mất hơn 12% chỉ sau hai phiên giao dịch cuối tuần. Mọi người đã bắt đầu lo lắng", chuyên viên Lê Hằng nói.
Điện Quang tiền thân là Xí nghiệp Bóng đèn Điện Quang, được thành lập năm 1979 trên cơ sở sáp nhập các xí nghiệp nhỏ tại Biên Hòa và TP HCM. Năm 2005, Điện Quang cổ phần hóa và đến 2008 thì niêm yết trên HoSE.
Rạng Ðông được thành lập năm 1961 với tên gọi ban đầu là Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông. Ra đời trước Điện Quang hơn 15 năm, nhưng quá trình cổ phần hóa và niêm yết của Rạng Đông chỉ diễn ra trước hai năm (2006) và cũng niêm yết trên HoSE.
Làm nên tên tuổi bằng lĩnh vực chiếu sáng, Điện Quang và Rạng Đông từng là hai cái tên chiếm lĩnh phần lớn thị trường. Ở thời điểm mà công nghệ truyền thống vẫn giữ ngôi vương, những bóng đèn sợi đốt của hai thương hiệu này phủ khắp từ Bắc vào Nam.
Tuy nhiên, sự thay đổi hạ tầng công nghệ chiếu sáng đã làm đảo lộn chiến lược của hai doanh nghiệp. Khi công nghệ đèn phóng điện truyền thống (FL, CFL) bước vào giai đoạn thoái trào, thay bằng sự lên ngôi của công nghệ chiếu sáng rắn (LED), cả Rạng Đông và Điện Quang đều gặp khó khăn trong việc thích nghi.
Trái với việc sản xuất các sản phẩm bóng đèn truyền thống vốn là lợi thế của các doanh nghiệp quy mô lớn, sản xuất đèn LED có rào cản gia nhập ngành thấp hơn rất nhiều, ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể nhập các linh kiện về lắp ráp. Theo TVSI, cả Điện Quang và Rạng Đông tham gia sản xuất đèn LED nhưng chỉ làm chủ được khâu trung và hạ tầng trong chuỗi giá trị vì đều phải nhập chip LED từ đơn vị khác.
Minh Sơn