Theo quy định tại Luật chứng khoán thì công ty đại chúng phải đăng ký với Ủy ban chứng khoán. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 09/2010/TT-BTC và Thông tư 52/2012/TT-BTC quy định rằng, công ty đại chúng cần phải công bố thông tin trên trang web của Ủy ban chứng khoán và đồng thời phải công bố thông tin lên website của mình.
Công ty cổ phần Sơn tổng hợp Hà Nội có vốn điều lệ 83,2 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 40% do Tập đoàn hoá chất Việt Nam nắm giữ. Theo danh sách do Ủy ban chứng khoán công bố thì công ty đã đăng ký công ty đại chúng từ ngày 14/8/2007. Thế nhưng, trên trang web của Ủy ban chứng khoán không có công bố thông tin của công ty. Website của công ty không có mục dành riêng cho cổ đông, dù Thông tư 52 đã quy định việc này. Nhà đầu tư cũng tìm được rất ít thông tin so với quy định. Trong website chỉ có thông tin về đại hội cổ đông năm, các thông tin khác như Nghị quyết đại hội cổ đông, báo cáo tài chính... của những năm trước không thấy.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, có vốn điều lệ 105 tỷ đồng và đã đăng ký công ty đại chúng từ 28/6/2007, nhưng không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin công ty đại chúng. Nhà đầu tư không tìm thấy địa chỉ website của công ty, dù quy định yêu cầu trong vòng 6 tháng kể từ ngày trở thành công ty đại chúng, công ty phải thành lập website. Trong website của Ủy ban chứng khoán cũng không có công bố thông tin của công ty này.
Công ty cổ phần bao bì Hà Tiên Hakipack có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, đã đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán ngày 5/7/2009. Tuy nhiên, cũng giống các công ty trên, khi nhà đầu tư truy cập vào trang web của Ủy ban chứng khoán thì thấy thông tin công bố không đầy đủ (chỉ có rất ít thông tin về hoạt động của công ty trong năm 2009, 2010, còn lại không có thông tin của năm 2011). Trên trang web của Hakipack cũng không có mục dành cho cổ đông, thông tin công bố cũng không đầy đủ, đến nay vẫn chưa có thông tin về đại hội cổ đông, dù Hakipack đã tổ chức đại hội cổ đông.
Việc vi phạm công bố thông tin của doanh nghiệp làm giảm lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, trong khi đó, việc giám sát và xử phạt của cơ quan quản lý chưa kịp thời và đủ mạnh để doanh nghiệp phải dè chừng. Nhiều nhà đầu tư mong mỏi cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra giám sát, vì sự công bằng và minh bạch của thị trường cũng như kỳ vọng cơ quan quản lý vốn nhà nước tại các công ty cổ phần cần có trách nhiệm hơn nữa với việc quản lý đồng tiền của Nhà nước, qua đó thúc đẩy các công ty đại chúng hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn.
Theo Đầu tư chứng khoán