Quan điểm nêu trên được Viện trưởng Viện Kinh tế chia sẻ tại Diễn đàn công nghiệp Việt Nam, diễn ra giữa tuần này tại Hà Nội. Trước đó, nhiều văn kiện của Đảng, Quốc hội đều có chung nhận định nhiều chỉ báo quan trọng để thực hiện mục tiêu "đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" đã không thực hiện được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm nay, mục tiêu cũng được xác định là "phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", thay vì đặt ra một mốc thời gian cụ thể như trước.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, sau 30 năm đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá - hiện đại hoá, Việt Nam đã đạt thành tích tăng trưởng khá tốt khi tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã tăng 16% trong cơ cấu GDP. Tính đến quý I/2016, khu vực này đóng góp 32,4% GDP. Tuy nhiên, định hướng phát triển công nghiệp lại đang có vấn đề nghiêm trọng.
Vấn đề này được phơi bày ở hai khía cạnh. Thứ nhất, cơ cấu công nghiệp hiện vẫn nặng về khai thác tài nguyên làm động lực phát triển kinh tế, gia công sản phẩm…, trong khi lĩnh vực chế biến chế tạo - cốt lõi của công nghiệp lại chỉ tăng 1,6%. "Đó là lý do vì sao công nghiệp Việt Nam vẫn yếu, giậm chân tại chỗ, thậm chí đi thụt lùi tương đối so với thế giới. Tất cả là do tầm nhìn, chiến lược phát triển công nghiệp ít chú trọng vào lĩnh vực chế tạo, công nghệ", Tiến sĩ Thiên nói.
Ông cho rằng việc so sánh với công nghiệp Thái Lan rất khó bởi nước bạn đã phát triển và bỏ xa Việt Nam mấy chục năm, "muốn đuổi theo cũng hụt hơi".
Thứ hai là cấu trúc doanh nghiệp nói chung và trong công nghiệp nói riêng cũng đang gặp vấn đề. Chuyên gia cho rằng công nghiệp muốn phát triển phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân, nhưng trước đây, mọi ưu tiên đều dành cho các doanh nghiệp, tập đoàn của Nhà nước. Thực tế, các doanh nghiệp này vẫn nặng về cách phát triển theo chiều rộng, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Về phía doanh nghiệp FDI, vị này cho rằng nhiều khi Việt Nam "quý khách quá" dẫn đến khối FDI phát triển mạnh, lấn át sản xuất trong nước.
"Doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước rất cần, rất quan trọng nhưng trụ cột nền kinh tế phải là doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân với tầm nhìn xa, năng động, áp dụng công nghệ, phát triển theo chiều sâu… phải là trụ cột", ông Thiên phát biểu.
Trong "cơn bão" hội nhập sắp tới, chuyên gia cho rằng Việt Nam phải đánh giá lại thực trạng công nghiệp, đâu là mũi nhọn, đâu là ngành tiềm năng. Chẳng hạn, dù có lợi thế sản xuất thép nhưng ở bên một kho thép khổng lồ đang dư thừa như Trung Quốc thì có nên cố đầu tư sản xuất không? Hội nhập đặt ra yêu cầu công nghiệp Việt Nam phải có chiến lược, tầm nhìn mới khi những lợi thế về lao động giá rẻ, vị trí địa chiến lược suy giảm, khai thác tài nguyên cạn kiệt…
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương) cũng nhấn mạnh Việt Nam cần phát triển xu hướng công nghiệp xanh, sử dụng ít tài nguyên, tập trung vào các ngành mũi nhọn thay vì dàn trải khắp các ngành.
Về ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ông Hải cho rằng đây là con đường phát triển, yếu tố then chốt, quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế. Các quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đều phải trải qua. 80% máy móc thiết bị được sử dụng trong các nhà máy được sản xuất từ các cường quốc kinh tế.
Tại Việt Nam, công nghiệp chế biến chế tạo mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nội địa, chủ yếu là lắp ráp, gia công. Tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp Việt Nam đối với sản phẩm công nghệ chỉ khoảng 10%. Các sản phẩm chế tạo có hàm lượng nhập khẩu cao.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - Lương Văn Tự nhận định chủ trương công nghiệp hoá qua nhiều năm vẫn chưa đi vào cuộc sống. Nguyên nhân được ông nhận định là hạn chế về nguồn nhân lực, công nghệ, chủ trương chính sách không nhất quán của Nhà nước. Công nghiệp hoá chậm chạp một phần do rơi vào bẫy của sự chuyển dịch công nghệ lạc hậu với hoa hồng cao. Trong khi các nước phát triển luôn đổi mới công nghệ để nâng cao cạnh tranh thì nước đang phát triển như Việt Nam lại nhập những công nghệ như nhà máy xi măng lò đứng, công nghệ sản xuất mía đường của Trung Quốc, gần đây là chủ trương nhập toa xe cũ...
Theo các chuyên gia, đến nay Việt Nam đã tham gia 13 Hiệp định thương mại tự do, cơ hội được mở ra nhưng thách thức cũng hiện hữu. Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ cho hay, các tập đoàn nước ngoài trong đó có Thái Lan đã nhanh chóng nhìn ra cơ hội từ làn sóng hội nhập nên đã dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi. Khi doanh nghiệp FDI phát triển sẽ hút hết các nguồn lực, dư địa thị trường, doanh nghiệp Việt vốn nhỏ bé, yếu thế rất khó để cạnh tranh lại. Khi đó, lợi thế lại trở thành thất thế của doanh nghiệp Việt.
"Gần đây, nhiều bạn tôi nói rằng không thể đưa hàng hoá vào các siêu thị Việt của các doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm. Chưa bao giờ chúng tôi cần một điểm tựa từ Chính phủ như bây giờ. Chúng tôi cần sự minh bạch, chính sách hỗ trợ tốt", ông Vũ nói và khẳng định các doanh nghiệp Việt đang ngày càng teo tóp.
Trước thực trạng cơ cấu công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp còn doanh nghiệp trong nước nhỏ yếu dần, ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm CLB các Nhà kinh tế (VEC) đề xuất thành lập Liên đoàn Sản xuất và công nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực của các ngành sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Theo đó, trên thế giới có nhiều mô hình tiên tiến đã thành công như các Liên đoàn công nghiệp của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thông qua các Liên đoàn này, Nhà nước sẽ lắng nghe và có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp.
Nguyên Thứ trưởng Lương Văn Tự cũng cho rằng cần phải thành lập một Liên minh sản xuất công nghiệp để liên kết các nhà sản xuất, cùng tập trung nguồn vốn, làm thị trường cho nhau, thu hút nguồn lực…
Ông Arin - Phó chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan cho biết ở nước này có rất nhiều tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Hội đồng Thương mại, Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan, Liên đoàn Công nghiệp... Các thành viên gồm đủ lĩnh vực từ chế tạo chế biến, tự động hoá, điện tử, công nghệ, mỹ phẩm, cao su tự nhiên, thời trang, y tế, xây dựng…
"Trước đây thế giới chỉ chú ý đến Thái Lan nhưng hiện nay đã có sự chuyển hướng sang Việt Nam. Chỉ còn 5 năm nữa Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp hiện đại và đây là giai đoạn phải chạy nước rút. Chúng tôi thấy Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển lớn về công nghiệp", ông Arin nói.