Thứ hai, 23/12/2024
Thứ năm, 11/4/2019, 15:45 (GMT+7)

Cơn cuồng vàng của nhà giàu châu Á

Vàng được dùng phổ biến trong các lễ hội, đám cưới, trang phục, khách sạn và thậm chí là cả đồ ăn.

Vàng là công cụ rất được ưa chuộng để tích trữ giá trị, phòng trừ rủi ro hay làm đồ trang sức. Dù vậy, với giới nhà giàu châu Á, công dụng của kim loại quý này đã được nâng lên một tầm cao mới, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với nhiều quốc gia, như Ấn Độ hay Dubai. Vàng được dùng phổ biến trong các lễ hội, đám cưới, trang phục, khách sạn và thậm chí là cả đồ ăn.

Vàng là ngành công nghiệp lớn ở Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất). Theo Trung tâm Hàng hóa Dubai, tiểu quốc này đóng góp khoảng 25% giao dịch kim loại quý toàn cầu. Chợ vàng Gold Souk nổi tiếng ở đây có tới hàng trăm gian hàng, bán vàng theo gram đến kilogram. Trang sức nơi này cũng thuộc hàng rẻ nhất thế giới.

Dubai cũng là nơi có ATM vàng. Nó được đặt tại các trung tâm mua sắm, giúp mọi người thuận tiện sử dụng.

Một trong những khách sạn quyền lực nổi tiếng ở Dubai - Burj Al Arab sử dụng tới 1.790 m2 vàng 24k để trang trí.

Tầng 27 của khách sạn này còn có Gold On 27 - quán bar đưa vàng vào mọi đồ uống, từ cappucino đến cocktail.

Năm 2012, hãng bánh ngọt nổi tiếng của Dubai - Bloomsbury ra mắt chiếc cupcake có tên Golden Phoenix. Được làm từ những nguyên liệu nổi tiếng, chiếc bánh này có giá gần 28.000 USD và giành luôn danh hiệu “Cupcake đắt nhất thế giới”. Nó được đặt trong đĩa làm từ vàng 24 carat, trang trí vàng lá ăn được và thìa ăn bánh cũng làm từ vàng ròng.

Ấn Độ cũng là quốc gia nổi tiếng chuộng vàng. Năm 2013, Datta Phuge - một doanh nhân Ấn Độ đã đặt làm một chiếc áo toàn bằng vàng trị giá 12,7 triệu rupee (khoảng 250.000 USD thời đó). Chiếc áo này nặng 3,32 kg, làm từ 14.000 miếng vàng 22 carat, hoàn thiện trong 16 ngày bởi 15 thợ thủ công.

Đến năm 2014, một doanh nhân khác - Pankaj Parakh cũng đặt làm một chiếc áo sơ mi từ hơn 4kg vàng ròng trị giá hơn 213.000 USD để mừng sinh nhật 45 tuổi. Để may được áo, 20 thợ thủ công đã phải làm tổng cộng 3.200 giờ trong 2 tháng. Chiếc áo sử dụng vàng nguyên chất 18-22 carat.

Đầu năm 2015, doanh nhân Sachin Khese (Ấn Độ) phủ vàng toàn bộ chiếc xe Jaguar đen của mình. Ông cho biết muốn đổi màu chiếc xe để xua vận đen.

Năm 2011, hãng xe Ấn Độ - Tata Motors ra mắt phiên bản xa xỉ của loại xe giá rẻ - Tata Nano. Xe này được làm từ 80kg vàng 22 carat, 15 kg bạc và đính vô số đá quý.

Giới siêu giàu Trung Quốc cũng đặc biệt thích vàng. Họ coi đây là cách phô bày sự giàu có, thịnh vượng và địa vị xã hội. Năm 2015, một trung tâm thương mại tại thành phố Pingliang, tỉnh Cam Túc tổ chức một buổi trình diễn thời trang đồ lót vàng, với giá bán lên tới 3 triệu NDT (470.000 USD).

Thợ kim hoàn Lam Sai-Wing tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng từng xây một phòng tắm xa xỉ nhất thế giới với chi phí lên tới 3,5 triệu USD. Nhà tắm này được làm từ 6.000 viên đá quý, từ hồng ngọc, ngọc bích đến hổ phách. Mọi chi tiết từ bồn tắm tới bồn cầu cũng toàn bằng vàng, tổng cộng tốn khoảng 380 kg vàng nguyên chất.

Tại Abu Dhabi, Emirates Palace được coi là khách sạn đắt đỏ nhất thế giới từng được xây dựng khi bắt đầu hoạt động năm 2005. Chi phí xây Emirates Palace lên tới 3 tỷ USD. Trong đó, khoảng 2.000m2 trần nhà được dát vàng 22 carat và bạc. Mỗi m2 trần cần 50 lá vàng, và vàng lá ở đây phải được thay sau mỗi 4,5 năm.

Hà Thu (tổng hợp)