Nhiều người từng ấn tượng với hình ảnh cô giáo vùng cao tham gia Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank). Đến với nhà hàng Ẩm thực chay Pema tại Hà Nội, người yêu mến đồ chay sẽ có dịp gặp gỡ, lắng nghe cô giáo trẻ kể những câu chuyện về từng món ăn trong thực đơn và những tâm sự nặng lòng với thảo mộc quê hương.
Cô giáo vùng cao mở nhà hàng chay
Lâm Hoài tốt nghiệp trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, trở thành cô giáo vùng cao và sau này làm cán bộ Tỉnh Đoàn Yên Bái. Không giống nhiều phụ nữ cùng quê yên vị với công việc ổn định và cuộc sống yên bình, cô giáo Lâm Hoài yêu thích lối sống xanh, ăn sạch, sống sạch, lành mạnh như một cách giúp tâm hồn an yên hơn giữa cuộc sống bận rộn. Cũng từ niềm yêu thích đó, niềm đam mê thảo mộc thiên nhiên đến với cô. Sau bao đắn đo, trăn trở, Lâm Hoài quyết định khởi nghiệp ở độ tuổi ngoài 30.
Cuộc sống gắn bó với đồng bào miền núi giúp Lâm Hoài có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại cây cỏ thiên nhiên, học hỏi các phương pháp thực dưỡng và chữa bệnh của họ. Đó cũng là một trong những lý do khiến cô quyết định khởi nghiệp.
Lâm Hoài chia sẻ: "Nước mình rừng vàng biển bạc, văn hóa dùng thảo mộc để thực dưỡng và bồi bổ cơ thể đã có lịch sử hàng ngàn năm, đã được y học minh chứng là cho hiệu quả và độ an toàn cao. Nỗi trăn trở của tôi chính là làm thể nào để cộng đồng biết đến và sử dụng kho báu từ thiên nhiên một cách hiệu quả".
Từ đó, nhà hàng Ẩm thực Chay Pema của cô gái trẻ ra đời với những món ăn có nguyên liệu từ thảo mộc thiên nhiên cùng tâm niệm muốn truyền cảm hứng và giá trị thực tiễn đến cộng đồng.
Nỗ lực nâng tầm thảo mộc Việt
Đam mê ẩm thực thảo mộc và kinh doanh, nhà hàng Chay đầu tiên ở Yên Bái là bước khởi đầu trên hành trình thực hiện ước mơ của Lâm Hoài với thảo mộc Việt.
Theo Lâm Hoài, điểm nhấn của Ẩm thực Chay Pema nằm ở thực đơn nâng tầm thảo mộc, mang đến món ăn có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, được chế biến từ các nguyên liệu lấy từ vùng núi.
"Tôi nghĩ rằng xã hội càng hiện đại thì một bộ phận chúng ta lại ao ước quay về cuộc sống hòa mình với tự nhiên trong quá khứ. Thực tế, lối sống gắn với tự nhiên giúp ta khỏe mạnh. Cũng từ đây, các sản phẩm có nguồn gốc thảo mộc và xu hướng ăn chay đã được nhiều người đón nhận. Tuy nhiên, ăn sao cho đúng và đủ dinh dưỡng lại là yếu tố nhiều người chưa nắm được", Lâm Hoài nói.
Sau thời gian khảo sát thị trường, Lâm Hoài nhận thấy với số đông người Việt, ăn chay chỉ là một cách để "ăn chơi" trong mùng 1, ngày rằm lễ Phật.... Việc ăn chay trường cũng chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng lớn tuổi hay những người có lối sống an nhàn. "Đây không hẳn là một quan niệm sai, tuy nhiên, nó đã gạt bỏ đi những khía cạnh tích cực và khả năng nhân rộng một lối sống lành mạnh dựa trên những gì là bản thể con người và hòa hợp với tự nhiên", cô nhận định.
Sau khi nhận được hỗ trợ từ chương trình Shark Tank Việt Nam với cam kết rót vốn lên đến đến 8 tỷ đồng, Lâm Hoài và các cộng sự đặt ra những mục tiêu và bước đi mới cho hệ thống Ẩm thực Pema tại Hà Nội.
Theo cô, khi tiếp cận thị trường mới, sự khác biệt trong tư duy kinh doanh một ngành nghề cạnh tranh khốc liệt như F&B, từ cách xây dựng menu, set-up nhà hàng đến phong cách phục vụ tại các cơ sở của Pema cũng tạo nên không ít khó khăn cho cô trên bước đường khởi nghiệp.
Thời gian đầu vận hành thử dự án tại Hà Nội, cô phải thay đổi cách tư duy khi làm một chủ nhà hàng địa phương theo mô hình gia đình; học thêm kiến thức về quản lý và vận hành một thương hiệu ẩm thực cao cấp. "Từ những thứ nhỏ bé như cách xây dựng thực đơn, set-up nhà hàng đến phong cách phục vụ, tôi phải tự học hỏi và sáng tạo, lên kế hoạch, thử nghiệm rồi lại bỏ đi làm mới", Lâm Hoài nhớ lại.
Với nền tảng kinh doanh dựa trên những giá trị cốt lõi và lấy sản phẩm làm trung tâm, sau một thời gian kinh doanh tại Hà Nội, cô giáo vùng cao đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và lựa chọn được hướng đi cho riêng mình.
Khách hàng giờ đây đến với Pema các cơ sở tại hà Nội có thể cảm nhận sự ấm cúng, ấn tượng với không gian quán từ kiến trúc gỗ, bát đĩa gốm men mộc giản dị, những món ăn chay tao nhã, tinh tế từ chính những nguyên liệu sạch. Pema còn hướng tới trở thành điểm đến cho thực khách trải nghiệm những món ăn đầy đủ dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ ngay giữa thành phố sôi động.
Chia sẻ về dự định của Ẩm thực Chay Pema trong thời gian tới, Lâm Hoài cho biết, cô khá tự tin về menu riêng biệt có thể "gây thương nhớ" và giúp thực khách trải nghiệm đủ mọi giác quan. Cùng với các cộng sự, Lâm Hoài và Pema đang nỗ lực đưa các món ăn từ thảo mộc thiên nhiên trở nên phổ biến hơn, đồng thời đưa việc ăn chay trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt.
"Cuộc sống bận rộn, đòi hỏi kết nối liên tục giữa con người và công việc, tôi lựa chọn LG gram là người bạn đồng hành trên mọi hành trình. Chiếc máy tính của LG với trọng lượng nhẹ, kích cỡ vừa vặn cầm tay cũng như cất vào túi xách khi đi lại, giúp công việc của tôi linh hoạt và thuận lợi hơn", nữ doanh nhân trẻ chia sẻ.
Tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp của LG, người sáng lập Pema có cơ hội tiếp xúc với nhiều start-up và cá nhân có cùng hướng đi. Cô cho rằng, bản thân cảm thấy tự hào vì có thể truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp từ những điều bình dị xung quanh.
"Tôi sống - Tôi đam mê" là chuyên mục do Công ty điện tử LG Electronics Việt Nam tài trợ thực hiện trên báo điện tử Vnexpress với sự đồng hành cùng dòng sản phẩm Laptop LG gram. Sản phẩm được nhiều doanh nhân, bạn trẻ lựa chọn làm hành trang trong công việc. LG mong muốn tạo ra sân chơi thú vị để các bạn trẻ Việt Nam, chia sẻ về những niềm đam mê, những dự án tâm huyết mà mình đang theo đuổi và nỗ lực thực hiện.
Nếu bạn đang phát triển một dự án riêng ở các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm của truyền thống quê hương, cửa hàng thương hiệu, trang trại sạch, tổ chức chương trình thiện nguyện lên vùng núi cao... hãy gửi bài viết về địa chỉ startup@vnexpress.net. Dự án của bạn sẽ được chia sẻ với cộng đồng để thương hiệu, sản phẩm lan tỏa tới nhiều người.