Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lấy ý kiến với Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn của các nhà băng với đề xuất, nâng hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%. Cơ quan điều hành cho biết, việc sửa quy định nhằm hạn chế tín dụng cho phân khúc bất động sản cao cấp.
Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng ngay đến thị trường địa ốc vốn đang có nhiều khó khăn, dấu hiệu chững lại.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GP Invest nhận định thị trường bất động sản năm 2019 có thể gặp khó khăn vì nhiều lý do. Thứ nhất là yêu cầu rà soát dự án của Kiểm toán Nhà nước hoặc các cơ quan thanh tra. Quyết định này mang tính chất hồi tố, lật lại cả những dự án đã xong mà trước đây ở giai đoạn triển khai, cơ quan quản lý đã chấp thuận cho làm. Chủ trương rà soát dự án sẽ ảnh hưởng tiến độ một số dự án ở thành phố lớn.
Khi thị trường bất động sản bị chậm lại cũng đồng nghĩa các ngành liên quan như vật liệu, sắt thép, xi măng, nội thất... bị ảnh hưởng và tác động đến tăng trưởng GDP. Do đó, ông cho rằng ở góc độ vĩ mô cần xem xét chủ trương này sẽ ảnh hưởng ra sao, tránh trục trặc về mặt vĩ mô. Thứ nữa, theo ông Hiệp, hiện một số tỉnh, thành có khả năng điều chỉnh tăng khung giá đất.
Chưa kể, phía các nhà băng siết tín dụng bất động sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ giảm nguồn cung, giá đất tăng và thị trường có thể gặp khó khăn.
"Bất động sản là lĩnh vực quan trọng, đóng góp lớn cho GDP. Tuy nhiên, chúng ta cầm một con dao sắc nhưng nếu không cẩn thận thì dễ đứt tay. Nếu chính sách vận dụng tốt thì lĩnh vực này sẽ thúc đẩy GDP nhưng không khéo thì dẫn đến thị trường phát triển quá nóng. Ngược lại, nếu để lạnh quá lại khiến GDP tụt, không đạt được tốt độ tăng trưởng", ông Hiệp nói. Do đó, theo ông, việc sử dụng các công cụ như thế nào cần sự điều tiết và phối kết hợp với nhau giữa các bộ, ngành để tạo sự ổn định, để không có những chính sách bất thường khiến thị trường lúc nóng lúc lạnh...
Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng chỉ ra một loạt những thách thức đối với thị trường. Doanh nghiệp bất động sản đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ phá sản, do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách, điển hình là việc áp dụng "hồi tố" với một số trường hợp gần đây. Hơn nữa, thị trường bất động sản hiện bị giảm quy mô, sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung, cầu (cung ít, cầu nhiều).
Đơn vị này dẫn chứng, từ tháng 3/2017 đến nay, thị trường bất động sản TP HCM liên tục bị sụt giảm. Năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017; Quý I/2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%. Đồng thời, theo Savills, số lượng căn hộ giảm 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%.
Với những lý do đó, đại diện Hiệp hội cho rằng quyết định siết tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường chao đảo, đồng thời tác động đến nguồn thu ngân sách.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc khuyến khích phát triển các phân khúc thấp hơn là cần thiết, song không nên vì vậy mà phải hy sinh phân khúc nhà ở cao cấp. Bởi theo ông, hiện phân khúc này thu hút nhiều người nước ngoài – nhóm khách hàng đến Việt Nam sinh sống và làm việc ngày càng gia tăng cùng với xu hướng hội nhập.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu tạo ra những không gian sống chất lượng, đảm bảo hạ tầng, tiện ích để phục vụ nhu cầu của bộ phận khách hàng có thu nhập cao, trong đó có người nước ngoài.
Ông cũng cho rằng, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc cao cấp hiện nay thanh khoản không có đột biến, giá bán chưa có dấu hiệu tăng nóng bất thường. Bởi vậy, ông cho rằng, không cần thiết phải áp dụng biện pháp siết tín dụng để tránh tác động đến những lĩnh vực liên quan.
Nguyễn Hà