Tại buổi đối thoại về chủ đề chuyển đối số do Tập đoàn FPT tổ chức vào cuối tháng 2, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia có mặt đa đưa ra nhiều câu hỏi và những vấn đề gặp phải trong công tác chuyển đối số. Những nội dung được thảo luận nhiều nhất tập trung vào việc làm thế nào để tăng trưởng đột phá và cách thức chuyển số thành công.
Theo ông Phương Trầm, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, từng giữ vị trí CIO Tập đoàn Dupont, Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng của tiến trình chuyển đổi số. Ông dẫn chứng bằng việc người Việt còn chưa hiểu đúng giá trị và phương pháp để thực hiện thành công chuyển đổi số.
"Chuyển đổi số không phải là vấn đề của riêng IT", vị chuyên gia nhấn mạnh nhiều lần . Bởi lẽ, làm chuyển đổi số cần bắt nguồn từ chiến lược của doanh nghiệp, không phải chỉ thuộc về riêng những người làm công nghệ thông tin. Để đưa ra được chiến lược về chuyển đổi số, doanh nghiệp cần nắm được vấn đề đang gặp phải từ góc độ ban lãnh đạo.
Ông Phương Trầm cho biết, đã có khoảng 30 công ty lớn trên thế giới thành công thực sự trong chuyển đổi số. "Cần xác định rõ cái khó của doanh nghiệp là gì và tập trung giải quyết từng cái một. Chuyển đổi số cần phải nghĩ lớn, nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ và nhân rộng càng nhanh càng tốt", ông nói.
Phân tích sâu hơn về cách làm, ông Phương Trầm cho rằng các doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số cần phải lập ra một nhóm liên ngành tập hợp những người có năng lực ở các phòng ban chính. Nhóm này làm việc cùng ban lãnh đạo đưa ra những kế hoạch phải làm để hoàn thành được chiến lược.
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Mobifone cho biết: "Mọi người cứ nghĩ chuyển đổi số là phải IT làm, nhưng thực chất đó là việc của nhà kinh doanh, nhà quản lý, của cả doanh nghiệp. Chúng ta phải suy nghĩ trước muốn chuyển đổi như thế nào, lúc đó rồi IT mới thực hiện được".
Để triển khai chuyển đổi số thì nên bắt đầu từ những dự án nhỏ. Bởi theo ông Phương Trầm, công nghệ thay đổi nhanh hơn dự tính. Trong khi đó các doanh nghiệp lại thường hay đưa ra các dự án lớn, kéo dài quá lâu. Có khi dự án chưa xong công nghệ đã thay đổi trước.
Đơn cử như tại Dupont, để chuyển đổi số, ông đã lựa chọn chi nhánh của Dupont tại Ấn Độ, nơi có quy mô nhỏ nhất nhưng lại đang gặp vấn đề lớn tỷ lệ nghỉ việc hơn 30%. Sau 3 tháng chuyển đổi số, tỷ lệ nghỉ việc của chi nhánh này đã giảm xuống dưới 3%. Sau khi mô hình này thành công tại Ấn Độ, ông Phương Trầm mới đưa về áp dụng tại Mỹ và nhân rộng ra các khu vực khác.
Vị cựu CIO Dupont khuyên các doanh nghiệp có thể nghĩ lớn những hãy bắt đầu nhỏ: "Từ một tầm nhìn lớn, hãy chia thành các nhiệm vụ nhỏ để chúng ta có thể làm trong một tuần, một tháng thay vì một quý, một năm. Kế đến là tìm một nhà cung cấp dịch vụ linh hoạt. Làm được những điều ấy là bước đầu thành công trong chuyển đổi số rồi".
Ông Phương Trầm, nguyên CIO của DuPont là người đã giúp Tập đoàn này lọt Top Fortune 500, tiết kiệm hàng tỷ đôla Mỹ nhờ chuyển đổi số. Từ năm 2019, ông sẽ giữ vị trí Tư vấn trưởng chuyển đổi số của FPT nhằm thực hiện mục tiêu đưa FPT đến hết năm trở thành một trong số ít các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công tại Việt Nam.
Thành Dương