Trong phiên giao dịch sáng nay, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống. Chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Nhật Bản hiện giảm 1,78%, nâng mức giảm cả tuần lên 6%. Trong khi đó, Kospi (Hàn Quốc) mất 0,23%.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite hiện giảm 0,83%. Còn Hang Seng Index (Hong Kong) mất 0,24%. Nhóm cổ phiếu blue chip tại Trung Quốc mất 1,2%, một phần do Mỹ cáo buộc Bắc Kinh chỉ đạo tin tặc tấn công các cơ quan chính phủ và công ty nhiều nước trên thế giới.
Chứng khoán Australia giảm 1% xuống đáy 2 năm. Hàng loạt thị trường khác trong khu vực, từ New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore cũng đi xuống. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hiện giảm 0,1%.
Tại Wall Street, DJIA hôm qua mất 1,99%. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 1,58% và 1,63%.
Chỉ số S&P 500 đang hướng tới quý tệ nhất kể từ cuối năm 2008, khi đã mất 15% đến nay. Nasdaq thì giảm 19,5% kể từ đỉnh tháng 8, tiến sát thị trường giá xuống.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô đêm qua mất hơn 4%, kéo mức giảm của dầu Brent kể từ đỉnh tháng 10 lên 37%. Đồng đôla Mỹ cũng có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2017 so với yen Nhật, khi nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn.
Tâm lý nhà đầu tư đã đi xuống từ hôm qua, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như giữ nguyên kế hoạch nâng thuế, bất chấp nhiều rủi ro với tăng trưởng. Sau đó, thị trường càng chao đảo khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump từ chối ký dự luật chi tiêu khẩn cấp cho Chính phủ Mỹ, trừ phi được cấp tiền xây tường biên giới. Việc này đã làm tăng rủi ro đóng cửa một phần chính phủ Mỹ vào ngày mai. Tin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Jim Mattis đột ngột từ chức càng làm tăng căng thẳng.
Elliot Clarke - nhà kinh tế học tại Westpac cho rằng biến động chính trị tại Washington đang khiến thị trường thêm bất ổn. "Hôm nay sẽ là một ngày căng thẳng tại Washington, và cả thị trường tài chính nữa", ông dự báo.
Hà Thu (theo Reuters/Bloomberg)