Chốt phiên giao dịch ngày 11/2, chỉ số DJIA giảm hơn 500 điểm, tương đương 1,4% khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẵn sàng phản ứng nếu Nga tấn công Ukraine. S&P 500 và Nasdaq đóng cửa giảm lần lượt 1,9% và 2,8%.
"Căng thẳng Nga – Ukraine đã phủ bóng lên tâm lý nhà đầu tư thời gian qua", John Lynch – Giám đốc Đầu tư tại Comerica Wealth Management cho biết trong một báo cáo, "Nhà đầu tư vẫn đang trông chờ vào một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây cho thấy mong muốn này ngày càng xa vời".
Lynch cho rằng căng thẳng này có thể kéo thị trường vào một đợt điều chỉnh khác – giảm 10% từ đỉnh gần nhất, do "nhà đầu tư sẽ bán trước rồi mới đặt câu hỏi sau".
Tính chung cả tuần, 3 chỉ số chính của Wall Street đều đi xuống, chấm dứt 2 tuần tăng liên tiếp. "Nhà đầu tư đã nhanh chóng nhấn nút bán sau các báo cáo cho thấy Mỹ nghi ngờ Nga sẽ tấn công Ukraine", Edward Moya – nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA nhận định.
Lo ngại về Nga cũng lan ra thị trường năng lượng. Giá dầu thô Mỹ WTI và dầu thô Brent hôm qua tăng gần 4%, lên lần lượt 93 USD và 94 USD một thùng. Các cổ phiếu năng lượng hàng đầu, như Baker Hughes, Occidental Petroleum và Phillips 66 hôm qua cũng dẫn đầu đà tăng trên thị trường.
Các nhà phân tích cảnh báo xung đột tại Ukraine sẽ đe dọa nguồn cung nhiên liệu, một phần do các lệnh trừng phạt. Do Nga hiện là nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn thứ nhì thế giới.
Các nhà phân tích tại JP Morgan tuần này cảnh báo giá dầu có thể "dễ dàng" chạm 120 USD một thùng nếu dòng chảy dầu từ Nga bị gián đoạn. Giá thậm chí có thể lên 150 USD. Mức đỉnh của dầu Brent là 147,5 USD, thiết lập vào tháng 7/2008.
Hà Thu (theo CNN)