-
15h15
Khối ngoại bán ròng 25 phiên liên tiếp
Phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 622 tỷ đồng và bán ra chưa đến 290 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa đây là phiên bán ròng thứ 25 liên tiếp của khối ngoại trên sàn TP HCM, với giá trị bán ròng hơn 330 tỷ đồng.
5 mã chịu áp lực bán mạnh nhất trong hôm nay là MSN, VIC, HDB, VHM và CTG. Khối ngoại hôm nay bán đến 18,4 triệu cổ phiếu VPB nhưng cũng mua vào lượng tương đương nên giá trị bán ròng không đáng kể.
"Dòng vốn nước ngoài khó đảo chiều trong tương lai gần nếu không xuất hiện các thông tin hỗ trợ cụ thể như dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu hồi phục rõ rệt...", chuyên gia KBSV dự đoán, đồng thời cho rằng một khi xu hướng bán ròng kết thúc sẽ là lúc VN-Index bắt đầu hồi phục bền vững.
-
15h10
VN30-Index mất mốc 700 điểm
Đà phục hồi trong nửa cuối phiên chiều chỉ giúp VN-Index thu hẹp đà giảm về dưới 2%, trong khi sắc đỏ vẫn là màu chủ đạo trên toàn sàn chứng khoán.
Chốt phiên giao dịch 16/3, VN-Index giảm gần 14 điểm, tương đương 1,89% xuống 747,86 điểm. VN30-Index diễn biến có phần tiêu cực hơn khi giảm gần 2,6% xuống dưới ngưỡng 700 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,74%, trong khi UPCOM-Index cũng giảm gần 0,7%.
Độ rộng của thị trường đến cuối phiên nghiêng về phía sắc đỏ với 239 mã giàm trên HoSE, trong khi chiều tăng chỉ có 133 mã. Riêng trong nhóm VN30, chỉ có 4 cổ phiếu giữ được sắc xanh, trong khi ghi nhận 24 mã giảm.
Đến cuối phiên, diễn biến của nhóm bluechip có sự phân hóa mạnh khi đà giảm nhiều cổ phiếu bị nới rộng. 5 mã giảm mạnh nhất VN30 bị kéo về gần mức giá sàn, mất gần 7%, gồm PNJ, SBT, VPB, CTG và ROS. Nhóm ngân hàng cũng chịu tác động tiêu cực hơn khi đà giảm nhiều cổ phiếu kéo về gần giá sàn. Trừ 2 mã ngân hàng trong nhóm giảm mạnh nhất, những cái tên tiếp theo như HDB, BID, VCB đều giảm trên 5,5%, TCB giảm 4,4%, MBB và STB giảm gần 4%.
Ở chiều ngược lại, SAB và GAS là hai mã tích cực nhất nhóm vốn hóa lớn khi tăng trên 4%, theo sau là PLX tăng 1,8%, HPG tăng 0,3%.
-
15h05
Chứng khoán châu Âu đỏ lửa
Thị trường châu Âu vừa mở cửa cũng đi xuống. Chỉ số Stoxx 600 theo dõi chung toàn khu vực giảm 4,9% ngay đầu phiên. FTSE (Anh) hiện mất 2,1%, DAX (Đức) và CAC 40 (Pháp) đều mất 5,6%. Giới phân tích cảnh báo khu vực này có nguy cơ suy thoái, do hàng loạt quốc gia đã đóng cửa biên giới và dừng nhiều hoạt động kinh tế để ngăn đại dịch lây lan.
-
14h50
Thị trường phái sinh vẫn giảm
Trong khi thị trường cơ sở hồi phục, diễn biến trên thị trường phái sinh có phần phức tạp hơn. Các hợp đồng tương lai VN30 đều lao dốc mạnh, đi ngược lại đà phục hồi trên thị trường chính. Hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn ngày 20/3 giảm hơn 37 điểm xuống còn 674,9 điểm. Các hợp đồng đáo hạn ngày 20/4 và 20/6 giảm trên 40 điểm.
Đến cuối phiên, giá trị hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn ngày 20/3 đang duy trì basis âm hơn 23 điểm so với thị trường cơ sở. Diễn biến này, theo giới phân tích, cho thấy rủi ro của thị trường đang ở mức cao.
-
14h20
Đà giảm tăng tốc
Sắc đỏ của thị trường được nới rộng vào giữa phiên chiều. Đến 14h20, VN-Index giảm gần 24 điểm, tương đương 3,11% xuống dưới 740 điểm. VN30-Index giảm gần 3,6% còn 690 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm gần 2,4%, trong khi UPCOM-Index giảm gần 1%.
Đà giảm có xu hướng lan rộng hơn khi áp lực bán tăng cao, trong khi lực cầu bắt đáy yếu. Số cổ phiếu giảm trên HoSE tăng lên hơn 250 mã, gấp rưỡi số mã tăng. Trong nhóm bluechip, VN30 chỉ còn 2 mã giữ sắc xanh, còn 27 mã giảm.
-
13h40
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm
9 mã ngân hàng trong rổ VN30 đều giao dịch dưới tham chiếu khi thị trường mở cửa trở lại. Dẫn đầu trong danh sách này là HDB với 5,7%, tiếp đến là VPB, CTG, VCB...
Theo thống kê của VNDIRECT, trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index thì nhóm ngân hàng đang chiếm phân nửa. Diễn biến hiện tại trái với dự báo của nhiều công ty chứng khoán khi đặt kỳ vọng nhóm ngân hàng có thể xuất hiện nhịp tăng, dù không mạnh, trong phiên đầu tuần.
-
13h35
VN-Index nới rộng đà giảm
Nhiều lệnh bán khối lượng lớn được đẩy vào thị trường sau giờ nghỉ trưa, khiến VN-Index nới rộng đà giảm lên mức hai chữ số. Chỉ số đại diện Sở HoSE lùi về dưới ngưỡng 750 điểm, trong khi VN30-Index cũng tăng mức giảm lên 2,4%.
Nhịp độ giao dịch trên thị trường được đẩy nhanh với thanh khoản chỉ sau 30 phút mở cửa phiên chiều đã tăng gấp rưỡi phiên sáng, vượt mốc 3.000 tỷ đồng.
Trong nhóm bluechip, cổ phiếu SBT giảm sàn, trắng bảng bên mua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có chiều hướng tiêu cực hơn khi những cổ phiếu hút dòng tiền như VPB, CTG hay HDB đều mất hơn 5%. Cổ phiếu VIC trước giờ nghỉ trưa chỉ lùi nhẹ dưới tham chiếu cũng tăng đà giảm lên hơn 3%, VHM và VRE giảm gần 4%.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều mất điểm mạnh. Hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn ngày 20/3 giảm gần 27 điểm xuống còn 686 điểm, giữ basis âm hơn 12 điểm so với thị trường cơ sở.
-
13h15
'Fed rút ra khẩu súng lớn nhưng thiếu viên đại bác'
Theo giới phân tích, đà giảm của thị trường do lo ngại Fed sẽ hết công cụ để hỗ trợ nền kinh tế nếu Covid-19 có những diễn biến phức tạp hơn.
Vishnu Varathan, chuyên gia kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho bình luận: "Mặc dù đã rút ra những khẩu súng lớn, Fed dường như đang thiếu viên đại bác. Trớ trêu thay, thị trường đang xem phản ứng của họ là sự hoảng loạn, điều này càng ăn sâu vào nỗi sợ hãi của chính nhà đầu tư".
Daniel Gerard, chiến lược gia về giao dịch tài sản tại State Street Global Market nói với CNBC: "Động thái của Fed không phải là một gói kích thích, đây là một hoạt động để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng".
Tương tự, Quincy Krosby - chiến lược gia trưởng tại Prudential Financial nhìn nhận, động thái này, cùng gói nới lỏng định lượng, sẽ giúp khắc phục tác động của dịch bệnh với kinh tế Mỹ. "Điều này rất tích cực, nhưng diễn biến của dịch bệnh vẫn phức tạp, chúng ta không biết liệu động thái này có mang lại hiệu quả không", vị này nói.
-
13h10
Chứng khoán Australia giảm gần 10%
Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử các thị trường châu Á vào đầu phiên chiều nay, với diễn biến tiêu cực nhất trên thị trường Australia và Thái Lan.
Hàng loạt cổ phiếu các ngân hàng lớn lao dốc khiến chỉ số S&P/ASX 200 của Australia hiện đã giảm gần 10%, nới rộng đà giảm gần gấp đôi so với đầu giờ sáng.
SET Index của Thái Lan giảm hơn 5%, trong khi nhóm 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán nước này cũng mất gần 6,2% giá trị.
Tại các thị trường khác của châu Á, sắc đỏ đã lan rộng so với phiên sáng nay. Trên thị trường Nhật Bản, Nikkei 225 đã về dưới tham chiếu trong phiên giao dịch chiều, còn Topix của sàn Tokyo chỉ còn tăng nhẹ trên tham chiếu.
Hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc nới rộng đà giảm lên gần 2%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm hơn 3%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa bơm thêm 14,3 tỷ USD vào hệ thống tài chính, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Tại thị trường Hàn Quốc, Kospi Index giảm hơn 1,8%, trong khi Straits Times Index của Singapore nới rộng lên gần 4%.
-
11h30
Chốt phiên sáng: VN-Index phục hồi lên vùng 750 điểm
Nhịp phục hồi từ giữa phiên sáng giúp thị trường thu hẹp đà giảm chỉ còn một chữ số. Chốt phiên sáng ngày 16/3, VN-Index giảm 8,5 điểm, tương đương 1,12%, còn 753,28 điểm. VN30-Index giảm 1,5% xuống 705,79 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,19%, trong khi UPCOM-Index giảm 0,46%.
Đến cuối phiên sáng, dù chỉ số phục hồi, thị trường vẫn nghiêng hơn về sắc đỏ. Sàn HoSE ghi nhận 204 mã giảm, trong khi ở chiều ngược lại chỉ có 136 mã giữ được sắc xanh. Riêng trong nhóm VN30, sắc đỏ có phần áp đảo hơn với 25 mã, còn sắc xanh chỉ duy trì ở 5 mã chứng khoán. Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt gần 2.300 tỷ đồng, ở mức trung bình so với những phiên gần đây.
Trong nhóm bluechip, dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu dầu khí khi GAS và PLX tăng xấp xỉ 4%. Theo sau là HPG tăng 2,4%, FPT tăng 1,3%, SSI tăng nhẹ trên tham chiếu. Ở chiều ngược lại, HDB là cổ phiếu diễn biến tiêu cực nhất VN30 khi giảm 5,7%, SBT giảm 5%, PNJ giảm 4,2%, VPB, VRE, VHM giảm trên 3,5%.