Trong những kỳ họp gần đây, câu hỏi về việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài ("room" ngoại) lên mức 30% thường xuyên được cổ đông MB đặt ra. Lần gần nhất, tháng 2/2016, MB nới room ngoại từ 10% lên 20%, còn 10% được giữ lại vì "để dành cho nhà đầu tư chiến lược".
Khoản để dành trên được kỳ vọng sẽ sử dụng trong năm nay khi ngân hàng trình cổ đông phương án chào bán riêng lẻ hơn 211 triệu cổ phiếu cho các đối tác trong và ngoài nước, tương đương 10% vốn ở thời điểm phát hành. Ngoài đợt chào bán riêng lẻ, MB cũng lên kế hoạch bán toàn bộ hơn 47 triệu cổ phiếu mà nhà băng này đã chi hơn nghìn tỷ đồng mua lại gần đây.
Từ khi lên sàn, lần duy nhất MB chào bán riêng lẻ cổ phiếu (không kể đợt phát hành cổ phiếu hoán đổi để sáp nhập công ty tài chính) là vào tháng 9/2015 với bên mua đều là các nhà đầu tư nội. Còn lại, phương án tăng vốn chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Ngoài phương án chào bán riêng lẻ, MB cũng dự kiến tăng vốn qua trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2018 và phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên. Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8% trong quý II-III và chào bán 43,2 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng cho mỗi cổ phần.
Sau hai đợt tăng vốn trên, MB dự kiến tăng vốn lên gần 25.841 tỷ đồng, từ mức 21.604 tỷ đồng hiện tại. Số vốn huy động, dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng, dành đầu tư tăng năng lực hoạt động, gồm xây trụ sở, đầu tư công nghệ và trang thiết bị cần thiết.
Chia sẻ với cổ đông, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết năm tới sẽ tăng vốn quyết liệt. Sở dĩ trong kế hoạch năm 2019, MB tăng vốn qua phát hành riêng lẻ thay vì cho cổ đông hiện hữu vì muốn giữ cơ cấu cổ đông khi nhiều cổ đông lớn hiện tại là nhà nước.
Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cũng nêu, nếu bán room 10%, giá cổ phiếu MBB ít nhất phải gấp 3, 4 lần mệnh giá. "Chào bán cổ phiếu với mức giá cao sẽ giúp MBBank có thặng dư vốn và không cần tăng quy mô vốn điều lệ lên quá lớn. Các năm sau, ngân hàng chi trả cổ tức bằng trả cổ phiếu tỷ lệ 8-10% sẽ đủ vốn", ông Thái cho hay.
Theo ông Thái, các đơn vị thành viên của MB được giao mang về 1.421 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Trong đó, công ty con ở mảng bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas Life) đặt mục tiêu hòa vốn, trong khi năm trước lỗ 319 tỷ đồng. "Thông thường, nếu nhanh các doanh nghiệp bảo hiểm cần 5 năm mới hóa vốn. Nếu có thể đạt điểm hòa vốn trong năm nay, MB Ageas Life có thể ghi nhận kỷ lục trong lịch sử châu Á.
MB Shinshei, công ty con trong mảng cho vay tiêu dùng, theo ông Thái, đã thu lãi 320 tỷ đồng trong năm thứ hai hoạt động, gấp nhiều lần mức 2 tỷ đồng của năm 2017. Năm 2018, nhiều đơn vị khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt như Công ty chứng khoán MBS lãi 202 tỷ đồng, tăng 800%, Bảo hiểm MIC lãi 135 tỷ đồng, tăng trên 240%...
Theo ông Thái, mục tiêu lớn nhất của MB Shinshen hiện nay là mở rộng thị trường và kiểm soát chặt chất lượng. Ông thừa nhận dự thảo Thông tư 43 sửa đổi đang lấy ý kiến giới hạn cho vay vốn tiền mặt có thể thay đổi cách thức kinh doanh tài chính tiêu dùng. Tuy nhiên, MB Shinshen là công ty mới nên khả năng thay đổi nhanh chóng hơn.
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư Công ty Dragon Capital, đồng thời cũng đại diện 6,38% vốn nước ngoài sở hữu cổ phần của MB, cho rằng ngân hàng nên phát triển hơn nữa tiềm năng từ mảng tài chính tiêu dùng và đẩy mạnh ngân hàng số.
Ngoài ra, nhà đầu tư này nêu ra là sự cạnh tranh gay gắt trong phát triển ngân hàng số. Khi Apple đã ra Apple Card, Samsung có SamsungPay..., các ngân hàng không chỉ cạnh tranh ngân hàng số với các ngân hàng mà còn cả các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông Điền cho rằng MB nên tận dụng lợi thế khi có cổ đông lớn là Viettel, một tập đoàn có thế mạnh rất lớn về viễn thông, công nghệ.
Về kế hoạch kinh doanh, MB mục tiêu tăng 11% tổng tài sản lên hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 12% huy động vốn và tăng 15% dư nợ cho vay khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu không quá 2%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến cũng ở mức 14%, tương đương năm 2018.
Tại Đại hội, ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua thay đổi trụ sở chính tòa nhà sang 63 Lê Văn Lương, thành lập ngân hàng con hoặc liên doanh tại Lào và Campuchia, ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) hoàn thiện sửa đổi Điều lệ, Quy chế quản trị nội bộ... MB cũng tiếp tục bỏ ngỏ việc tìm kiếm, triển khai M&A; trình cổ đông thông qua việc mua lại cổ phần không vượt quá 10% vốn điều lệ, ủy quyền HĐQT quyết định phương án cụ thể.
Năm 2019 cũng là năm mở đầu nhiệm kỳ mới tại MB. Danh sách ứng viên HĐQT, theo danh sách mới cập nhật hôm qua (26/4) xuất hiện nhiều cái tên mới. Chỉ 4/11 ứng viên là thành viên HĐQT cũ, gồm ông Lê Hữu Đức, ông Lưu Trung Thái. Bà Nguyễn Thị Ngọc và bà Nguyễn Thị Thủy. Các ứng viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới cũng chỉ còn ông Đỗ Văn Hưng là người cũ. Số lượng thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới dự kiến sẽ có 11 người và 4 người.
An An