Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada theo yêu cầu của giới chức Mỹ một năm trước. Hiện tại, bà vẫn bị quản thúc tại Vancouver và chờ một phiên điều trần về khả năng dẫn độ về Mỹ.
"Trải nghiệm khó khăn và đau khổ là tốt cho con gái tôi và sự trưởng thành của con bé", ông Nhậm chia sẻ và nói hiện công chúa Huawei dành thời gian để nghiên cứu và vẽ tranh. Mẹ và chồng cô cũng thường đến Canada thăm.
Ông cũng tiết lộ, thử thách đang khiến ông thân thiết với con gái mình hơn. Trước đây, điều này không xảy ra. Tuy nhiên, ông Nhậm đã nói chuyện với con gái nhiều hơn, thi thoảng còn gửi những mẩu chuyện cười ông tìm thấy trên mạng.
"Trước đây, con bé có thể cả năm không gọi cuộc điện thoại nào cho tôi. Con bé sẽ không hỏi thăm tôi thế nào, hay gửi một tin nhắn. Nhưng hiện quan hệ giữa bố con tôi đã gần gũi hơn", CEO Huawei chia sẻ.
Tháng 1/2020 tới, Giám đốc tài chính Huawei sẽ phải đối mặt với phiên xét xử về khả năng bị dẫn độ về Mỹ. Mạnh Vãn Chu và Huawei phải đối mặt với một số cáo buộc như gian lận trong hoạt động ngân hàng, đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Tuy nhiên, bà Mạnh và hãng công nghệ Trung Quốc đều phủ nhận các cáo buộc này.
"Những khó khăn như này sẽ tác động đến tính cách con người. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là con bé sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn khi trở về Huawei", ông Nhậm nói. Theo ông, với vai trò giám đốc tài chính, Mạnh Vãn Chu có thể xử lý các vấn đề tài chính. Tuy nhiên, cô chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức khác trong kinh doanh khi chưa có nền tảng kiến thức về công nghệ hay kỹ năng lãnh đạo.
"Nếu công ty được dẫn dắt bởi một người không có sự nhạy bén về chiến lược, Huawei sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Đó là lý do khi trở lại, con gái tôi sẽ tiếp tục làm những việc mà nó đã làm", ông Nhậm nhấn mạnh.
Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại. Washington cho rằng, Huawei là một mối nguy hại với an ninh quốc gia và tham gia các hoạt động kinh doanh đi ngược với những lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Huawei cũng phủ nhận những nhận định này.
Tuy nhiên, Mỹ đã tăng áp lực với Huawei. Đầu năm nay, Washington đưa hãng công nghệ này vào danh sách hạn chế giao dịch với các công ty Mỹ như Google, Intel, Micron... khi không được chính quyền cho phép. Đến tuần trước, một số công ty Mỹ như Microsoft nhận được giấy phép.
Còn ông Nhậm đang phải chiến đấu để đảm bảo sự sống còn của Huawei. Ông thường ví Huawei như một chiếc máy bay bị dính đầu đạn, và nhân viên như những người thợ máy làm việc cật lực để vá những lỗ hổng.
Anh Tú (theo CNN)