Ông Kenneth Griffin, tỷ phú một quỹ đầu cơ, vừa mua căn penthouse của tòa tháp 220 Central Park South ở New York với giá 238 triệu USD. Người phát ngôn của bên mua xác nhận giao dịch đã hoàn tất hôm thứ Tư (23/1), đưa căn hộ trở thành ngôi nhà đắt nhất nước Mỹ từng được bán.
Căn hộ có diện tích hơn 2.200 m2, chiếm 4 tầng từ tầng 50 đến tầng 53 của tòa tháp được thiết kế bởi Robert A.M. Stern và do Vornado Trust Realty xây dựng. Trước đó, căn hộ đắt nhất từng được bán ở thành phố New York nằm trong tòa nhà One57, chỉ có giá 100,5 triệu USD, vào năm 2014. Còn căn hộ đắt nhất nước Mỹ từng được giao dịch tọa lạc tại East Hampton, với giá 137 triệu USD.
Ông Griffin, người sáng lập công ty đầu tư Citadel, là một khách hàng nổi tiếng trong việc mua sắm các bất động sản đắt giá. Ông đã chi hàng trăm triệu cho các căn hộ ở New York, Chicago, Miami và London. Ông đang giữ kỷ lục mua căn hộ đắt nhất ở Miami, giá trị 60 triệu USD vào năm 2015.
Năm ngoái, ông chi 58,75 triệu USD cho căn penthouse đắt nhất ở Chicago. Ngoài ra, ông còn có một mảnh đất trị giá 250 triệu USD để xây dựng một khu phức hợp Palm Beach và một biệt thự ở London trị giá 122 triệu USD.
Tòa tháp 220 Central Park South cao khoảng 305 m, vốn là một ngoại lệ đầy sáng sủa của thị trường bất động sản hạng sang của Mỹ. Tháng 10 năm ngoái, ông Steven Roth - Giám đốc điều hành Vornado Trust Realty cho biết tòa nhà đã được bán khoảng 85%.
Tháng 11/2018, Tong Tong Zhao, nhà sáng lập một công ty quản lý khách sạn tại Thượng Hải, đã mua một căn hai tầng hai phòng ngủ trong tòa tháp với giá 13,49 triệu USD. Nhạc sĩ người Anh Sting và vợ Trudie Styler đã căn hộ tại 15 Central Park West để mua một căn mới trong tòa nhà này
Thị trường căn hộ xa xỉ New York nhìn chung đang chậm lại. Những ngôi nhà từ 4 triệu USD trở lên mất trung bình 447 ngày ký được hợp đồng mua bán vào năm 2018, theo Olshan Realty. Vào giai đoạn sôi động nhất, tức năm 2013, chúng chỉ mất 172 ngày để có chủ. Và với tốc độ bán hàng hiện tại, phải mất hơn 6 năm để bán hết gần 8.000 căn hộ mới ở Manhattan.
Phiên An (theo The New York Times)