Ngày 18/7 tại TP HCM, Hiệp hội Thương mại Điện tử phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức diễn đàn "Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU" với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế, đàm phán quốc tế, xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu...
Sự kiện nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận kịp thời với diễn biến của cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đồng thời tối đa hóa cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6.
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp cho bối cảnh trên là khai thác xuất khẩu thông qua thương mại trực tuyến. Do đó, trong sự kiện, nhiều chuyên gia và các đơn vị cung cấp các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đã cập nhật các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến và phương thức đào tạo nguồn nhân lực cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương nhận định xúc tiến xuất khẩu qua môi trường Thương mại điện tử là xu thế tất yếu thông qua việc đổi mới cách thức triển khai xúc tiến thương mại cần phù hợp với xu hướng tiếp cận thị trường quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của Internet và các thiết bị điện tử tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận khách hàng toàn cầu. Thương mại điện tử không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các rào cản địa lý địa lý để tìm kiếm khách hàng, mà còn giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Phú cho biết, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách về xúc tiến thương mại để phù hợp với yêu cầu phát triển ngoại thương, xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh thực thi các hiệp định FTA của Việt Nam hiện nay, không ngừng đổi mới phương thức, xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu trung và dài hạn.
Cục cũng đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thương hiệu Việt thông qua thương mại điện tử bằng các chương trình hợp tác với các sàn thương mại điện tử, đơn cử là Amazon. Tháng 1/2019, Cục Xúc tiến thương mại công bố kế hoạch hợp tác tầm nhìn 3 năm với Amazon Global Selling. Tháng 4/2019, Cục Xúc tiến thương mại khởi động chương trình "Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử" và lựa chọn 105 doanh nghiệp để hỗ trợ tiếp cận thị trường Mỹ.
"Cục đặc biệt đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số", ông Phú nói.
Tham gia diễn đàn, ông Phạm Tấn Đạt - CEO sàn thương mại điện tử trực tuyến Fado cho biết, các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động hơn nhiều để ứng phó cũng như giảm thiểu rủi ro và hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. "Doanh nghiệp nên đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường".
Ông Đạt chia sẻ, điểm khác biệt cốt lõi giữa kinh tế truyền thống và kinh tế số là trong khi kinh tế truyền thống chỉ chú trọng vào sự cảm nhận nhu cầu thông qua giao tiếp với khách hàng thì kinh tế số sẽ dựa vào sự biến đổi kinh doanh theo định hướng dữ liệu trên nền tảng Internet.
Doanh nghiệp nên tận dụng thị trường ngạch, xem xét các thị trường Việt Nam có ký Hiệp định Thương mại Tự do để khai thác lợi thế khi các rào cản thương mại đã dỡ bỏ, tận dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước khác ở thị trường đó.
"Với sự phát triển của hạ tầng và chuỗi cung ứng, xu hướng hiện nay là giao thương quốc tế xuất hiện nhiều giao dịch nhỏ, nên không nhất thiết phải tập trung sản xuất sản phẩm có nhu cầu lớn để có sản lượng xuất khẩu lớn mà hãy tập trung độc đáo hóa sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm", ông Đạt nhận định.
Lời khuyên của CEO Fado cho các doanh nghiệp đang tìm hiểu và đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến là nên đầu tư vào đào tạo nhân sự có kiến thức kỹ năng về vận hành website, gian hàng trực tuyến mới có thể khai thác những ưu việt, thế mạnh của thương mại điện tử so với phương thức truyền thống, giúp website và gian hàng của doanh nghiệp tăng trưởng đột phá tạo ra doanh số gấp nhiều lần so với cửa hàng truyền thống trong thời gian ngắn.
Hiện nay, Fado hỗ trợ hai vấn đề chính là kiến thức và dịch vụ, cung cấp cách vận hành một công ty trên môi trường online. Ngoài ra, công ty cũng giúp doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ để nhanh chóng tiếp cận khách hàng toàn cầu.
Phần cuối buổi tọa đàm, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, ông Trần Quý Hiến - FBA Freedom và các đại diện Bộ ngành đã nói về cách khai thác cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang và diễn biến phức tạp như hiện nay.
An Phạm