Khảo sát gần đây với hàng trăm chuyên gia về trí thông minh nhân tạo (AI) của Viện nghiên cứu tương lai nhân loại (Đại học Oxford), dự đoán khả năng cao AI sẽ thay thế phần lớn các công việc của con người trước năm 2063 và sẽ tự động hóa tất cả công việc trong vòng 120 năm tới.
Còn theo khảo sát toàn cầu do Dale Carnegie thực hiện, phần lớn người được hỏi có thái độ tích cực về tương lai phát triển của AI. 44% tin rằng AI sẽ thay đổi về cơ bản cách con người sống và làm việc trong 10 năm tới và rất kỳ vọng những thay đổi này là tích cực.
Tuy nhiên, lo lắng cũng không ít. Trên thực tế, 64% người khảo sát ở cấp độ điều hành trở lên có một số lo lắng nhất định về mức độ ảnh hưởng của AI đối với văn hóa tổ chức. Họ cho rằng, ngoài lợi ích thì AI làm thiếu gắn kết trong đội ngũ.
Trả lời trên New York Times về môi trường làm việc ứng dụng AI cao, một nhân viên của Amazon nói: "Sau một năm làm việc, tôi cảm giác như bản thân là một phiên bản của những robot đang cùng làm với mình".
Bên cạnh những điểm tích cực chiếm ưu thế trong nghiên cứu của Dale Carnegie, mọi người vẫn lo lắng về khả năng mất việc vì AI. Hầu hết nhà nghiên cứu dự đoán việc làm được tạo ra sẽ bù đắp lại phần lớn những công việc bị mất đi, nhưng chưa có minh chứng tích cực trong thực tế.
Diễn đàn kinh tế thế giới thậm chí còn nêu ví dụ điển hình năm 2017. Một nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc cắt giảm 90% trên tổng số 650 lao động và thay thế bằng 60 con robot. Chỉ 60 người được giữ lại và công ty tính rằng còn có thể giảm nhân viên còn 20.
Tuy vậy, không phải là toàn bộ ngành nghề đều được tự động hóa, mà là một số hoạt động sẽ được tự động hóa trong rất nhiều ngành nghề. Vai trò của con người vẫn tiếp tục khi ở một số lĩnh vực, AI chưa thể tiếp quản thay họ.
Chẳng hạn, chưa đến một nửa số người tham gia khảo sát sẵn sàng chấp nhận bảng đánh giá năng lực do AI thực hiện, thậm chí khi họ biết các tiêu chí chính xác được sử dụng. Khoảng 6 trên 10 người cho rằng đánh giá sẽ ít có giá trị khi họ biết nó không được thực hiện bởi con người.
Nhìn chung, khi nói về AI, tâm lý của người lao động vừa tích cực nhưng cũng vừa lo lắng và không hoàn toàn tin tưởng. Nhưng sử dụng AI là xu thế không tránh khỏi, nên cần những phương thức để con người có thể cộng tác làm việc một cách hiệu quả, thoải mái.
Nghiên cứu của Dale Carnegie chỉ ra 3 điều giúp nhân viên cảm nhận tích cực hơn về AI: niềm tin vào lãnh đạo, sự minh bạch và sự tự tin rằng họ có kỹ năng linh hoạt để thích ứng với những thay đổi từ AI.
Thứ nhất, trong khảo sát của PwC, 67% CEO cho rằng AI và tự động hóa sẽ tác động đến mức độ về niềm tin trong tương lai. Hầu hết lãnh đạo nhận ra điều này thực sự là thách thức, đòi hỏi họ phải trung thực và nhất quán trong những gì họ nói và làm. Trong thời đại mà những lời nói hay câu chữ được lưu lại bằng cách này hay cách khác, tính không nhất quán càng dễ lộ ra.
"Các lãnh đạo phải sống đúng theo những giá trị đã đưa ra, tuân thủ nguyên tắc, nhất quán trong lời nói, quyết định và hành động, và tạo dựng niềm tin là sự ưu tiên hàng đầu", Tiến sĩ Mark Marone - Giám đốc nghiên cứu và định hướng tư duy lãnh đạo Dale Carnegie & Associates khuyến nghị.
Thứ hai, minh bạch khi sử dụng AI. Điều này đặc biệt quan trọng khi AI được áp dụng trong các lĩnh vực như nhân sự bởi độ cá nhân hoá cao. Dù nhân viên không kỳ vọng hiểu tất cả chi tiết kỹ thuật, nhưng họ muốn các quyết định từ AI ít nhất phải chấp nhận được nếu đã kỳ vọng những quy trình bên trong là công bằng.
Thứ ba, truyền sự tự tin cho nhân viên trước 'đồng nghiệp' AI. Nếu họ tự tin rằng họ có khả năng thay đổi để tồn tại bằng việc phát triển các kỹ năng, đáp ứng vai trò mới, tổ chức cũng sẽ có ấn tượng tốt để duy trì sự gắn kết với những nhân viên ấy. 68% người được hỏi cho rằng việc bổ sung các chương trình đào tạo là vô cùng quan trọng để giảm thiểu khả năng mất việc khi AI hiện đang có lợi thế tại nơi làm việc. Trong đó, kỹ năng mềm rất cần thiết.
Dự án Oxygen của Google đã xác thực điều này. Sau khi ban đầu thiết lập các thuật toán tuyển dụng để sắp xếp lượng sinh viên khoa học máy tính với số điểm cao nhất từ các trường đại học khoa học hàng đầu, Google đã tiến hành phân tích nghiêm ngặt về dữ liệu tuyển dụng, sa thải, thăng tiến và kết luận rằng giữa tám phẩm chất quan trọng nhất của các nhân viên hàng đầu của Google, STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học) là chuyên môn cuối cùng.
Bảy đặc điểm hàng đầu của thành công tại Google là tất cả các kỹ năng mềm: trở thành một người huấn luyện giỏi, kỹ năng giao tiếp và lắng nghe tốt, có hiểu biết sâu sắc về người khác, có sự đồng cảm và hỗ trợ đồng nghiệp, có tư duy logic và có khả năng xử lý vấn đề, có khả năng kết nối các ý tưởng phức tạp. Năm 2018, Google đã cập nhật khảo sát Oxygen và kết quả vẫn không có sự thay đổi đáng kể.
Ngay tại ở Việt Nam, việc sử dụng AI đang ngày càng trở nên phổ biến, bao gồm các hệ thống kho và vận tải tự động, các quy trình hàng ngày của ngành y tế, chế tạo robot, công nghệ tin nhắn tự động, phân tích đầu tư, các báo cáo và ra quyết định. Thậm chí, các ông lớn trong nền kinh tế số như Grab, Go-Viet... còn ứng dụng AI vào việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ cốt lõi.
Do đó, ứng dụng AI là điều các chuyên gia khuyến nghị. Theo thời gian, những hiểu biết sâu sắc về khả năng tối ưu năng suất của AI hứa hẹn sẽ mang lại những lợi thế vô giá cho tổ chức biết cách thực hiện nó hiệu quả.
Các chuyên gia đề xuất nên bắt đầu bằng việc đánh giá chức năng kinh doanh nào sẽ có lợi thế nhất từ AI và các kỹ thuật phân tích nào sẽ được yêu cầu. Bước quan trọng khác là đảm bảo có sẵn các dữ liệu chất lượng hiện tại, và tham gia vào quy trình quản lý.
"Trước khi nói đồng ý dùng AI thì nên xem xét lại nội bộ. Doanh nghiệp đã có quy trình làm việc chuẩn hay chưa, đã có đủ dữ liệu và dữ liệu đủ chất lượng hay chưa. Cuối cùng, cần xem lại kỹ năng, kiến thức và thái độ có đủ sẵn sàng để làm việc với máy móc hay chưa", ông Dan Hefferman - Chuyên gia báo cáo Dale Carnegie lưu ý tại hội thảo 'Trí tuệ nhân tạo: Tự tin làm chủ trong thời đại AI' diễn ra mới đây tại TP HCM.
Viễn Thông