Nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng khi công nghệ làm thay đổi bản chất nhiều công việc và một số công việc sẽ không còn tồn tại. Vấn đề càng phức tạp hơn khi nhiều ngành công nghiệp bị chi phối bởi vài công ty dẫn đầu, luôn có chế độ lương thưởng cao cho nhân viên.
Nếu làm việc ở các công ty này, bạn có khả năng được tăng lương nhiều hơn, học được các kỹ năng hữu ích và có được sự đảm bảo uy tín trong suốt sự nghiệp. Nếu không, sự nghiệp và tiền lương của bạn có thể bị đình trệ. Nhưng cũng không nên quá lo lắng nhờ một số cách quản lý rủi ro sau.
Đặt ra mục tiêu rõ ràng
Công cụ quản lý rủi ro khi lựa chọn nghề nghiệp hiệu quả nhất là đặt mục tiêu rõ ràng. Đây cũng có thể là phần khó nhất, vì hầu hết mọi người đều không biết họ muốn gì. Allison Schrager, Nhà kinh tế học, đồng sáng lập LifeCycle Finance Partners, từng quen biết một số người bạn đại học mà ở tuổi 22, họ đã đặt mục tiêu thành chuyên gia phân tích chứng khoán, có 3 con và sống ở ngoại ô. Bà nói nhiều người về sau thật sự đã làm được. Điều đó chứng tỏ việc đặt ra những mục tiêu rõ ràng làm tăng tỷ lệ đạt được điều họ muốn.
"Nhưng hầu hết chúng ta không có được sự rõ ràng như vậy khi 22 tuổi, hoặc thậm chí ở độ tuổi 52. Ổn thôi! Một cách tìm ra câu trả lời là suy nghĩ kỹ và thật lâu về những gì bạn muốn trong công việc, thay vì các cột mốc cụ thể và chức danh trong công việc", vị chuyên gia nói.
Một số người khuyên bạn theo đuổi đam mê. Những người khác lại cho rằng bạn cần phải trưởng thành, tìm được một công việc hợp lý. Allison Schrager lại có xu hướng kết hợp giữa đam mê với hiện thực.
"Nếu bạn đam mê viết tiểu thuyết, có nhiều cách thực hiện mà không cần phải là tiểu thuyết gia. Đâu là những gì bạn yêu thích về viết lách: quá trình, sự sáng tạo, hay làm việc một mình? Có những công việc đáp ứng được những điều đó mà không cần phải viết những cuốn tiểu thuyết dài như tiếp thị, quan hệ công chúng hoặc truyền thống hơn là giảng dạy", bà nói.
Cân nhắc rủi ro quanh mục tiêu
Nhìn chung, có hai loại rủi ro cần quản lý: rủi ro cá nhân, tức rủi ro có thể là duy nhất đối với bạn hoặc công việc cụ thể; và rủi ro hệ thống, tức rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế.
Bạn làm việc tại công ty bị phá sản vì quản lý kém là một ví dụ về rủi ro cá nhân. Hoặc có thể bạn nghỉ làm vì không thích ứng được với môi trường đó chẳng hạn. Có thể quản lý rủi ro này giống như cách mọi người làm trong đầu tư, bằng cách đa dạng hóa các kỹ năng và lựa chọn công việc.
Bạn bị mất việc khi nền kinh tế bị suy thoái là ví dụ về rủi ro hệ thống. Loại rủi ro này có thể gây hại nhiều hơn vì bạn có thể mất việc vào thời điểm tồi tệ nhất. Khi ấy, thị trường tuột dốc, nhiều người thất nghiệp hơn và tìm việc sẽ khó hơn.
Tin tốt là những người càng phải đối mặt với rủi ro hệ thống càng có xu hướng nhận được nhiều tiền lương hơn. Đây là lý do các công việc trong ngành tài chính có thu nhập cao. Bởi lẽ, các công ty tài chính thường thưởng cao ở thời điểm tốt và nhanh chóng sa thải nhân viên khi tình hình xấu đi.
Liệu việc càng chấp nhận rủi ro hệ thống để nhiều tiền hơn có xứng đáng không? Đó là câu hỏi cá nhân, dựa trên sở thích và cách sống của bạn. Một số người thích sự ổn định trong công việc hơn là mức lương cao hơn. Nó cũng tương tự như cách thức nhiều nhà đầu tư từ bỏ lợi nhuận lớn và chọn danh mục đầu tư an toàn hơn. Vì vậy, hãy cân nhắc những rủi ro bạn có khả năng chịu.
Rủi ro mang tính cá nhân và hệ thống luôn tồn tại và cho thấy khía cạnh mới trong nền kinh tế hiện đại. Gặp rủi ro hệ thống, công việc của bạn sẽ biến mất vì có thể nó được vận hành bằng máy. Còn khi gặp rủi ro cá nhân, bạn sẽ nghỉ việc ở công ty không còn sự thăng tiến. Cách đối phó với những rủi ro này đòi hỏi có chiến lược phức tạp hơn.
Chọn công việc đầu tiên
Trong cuốn "How to win in a Winner-Take-All World" (Tạm dịch: Cách chiến thắng trong thế giới toàn người thắng), Neil Irwin, phóng viên tờ New York Times, cho rằng chọn làm ở một loại hình công ty cụ thể giống như chọn loại cổ phiếu.
Những gì phù hợp với bạn phụ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro, nhu cầu thu nhập và những gì có thể nhận được. Chọn một trong những loại công ty này chỉ là bước đầu tiên. Và giống như bất kỳ chiến lược đầu tư nào, bạn cũng cần có kế hoạch quản lý rủi ro.
Irwin cho biết các công ty hàng đầu là công việc tương đương với loại cổ phiếu tăng trưởng. Họ dẫn đầu ngành công nghiệp của họ và sẵn sàng tăng trưởng hơn trong tương lai. Nếu đủ may mắn có được công việc đầu tiên ở một công ty hàng đầu, đó có thể là khởi đầu tuyệt vời cho sự nghiệp.
Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ đó là tấm vé vàng. Những loại công việc này không phù hợp cho tất cả mọi người. Các công ty hàng đầu là những công ty lớn. Để thành công, bạn phải nhận ra hệ thống quản lý hành chính phức tạp, nền chính trị nội bộ và tránh bị đánh giá thấp trong cùng vị trí công việc.
Để được công nhận, làm việc và thăng tiến tại đó có thể sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, công ty lớn và thành công không có nghĩa bạn không phải đối mặt một số rủi ro cá nhân. Công ty hàng đầu có thể luôn thay đổi.
Một lựa chọn khác là công ty khởi nghiệp, nơi có nhiều ưu đãi nếu họ thành công trong tương lai. Trong một công ty nhỏ, bạn ít bị đóng khung trong vai trò nhất định mà có nhiều trách nhiệm hơn, học hỏi được nhiều kỹ năng mới.
Nhược điểm là rủi ro cá nhân rất lớn, khả năng khởi nghiệp thất bại khá cao. Cũng có khả năng nó vận hành kém và bạn sẽ học được ít kỹ năng mềm hơn, ảnh hưởng nhiều thói quen xấu hơn. Khởi nghiệp cũng chịu rủi ro hệ thống nhiều hơn vì cần nguồn tài chính bên ngoài, phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh.
Lựa chọn thứ ba là những gì Irwin so sánh với các cổ phiếu có giá trị: các công ty bị đánh giá thấp, đã qua thời hoàng kim và chậm dần, thậm chí là tụt hậu. Lợi thế cho việc được tuyển vào các công ty này được trao cơ hội với tư cách là người trẻ tuổi, đầy tham vọng nhưng thiếu kinh nghiệm.
Bạn cũng học được nhiều khi công ty đang mắc sai lầm. Nhưng có khả năng bạn lạc hướng trong bộ máy quan liêu của họ vì các công ty cũ có thể cứng nhắc hơn và chống lại sự thay đổi. Bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ mất việc.
Giống như đầu tư vào thị trường chứng khoán, chúng ta không biết được tương lai của bất kỳ công ty nào, vì vậy bạn phải nắm lấy cơ hội. Công việc đầu đời thường sẽ không phải là công việc sau cùng, và bạn sẽ làm việc ở tất cả các loại công ty khác nhau trong suốt cuộc đời. Nhưng khởi đầu đúng sẽ mang lại nền tảng vững vàng để chấp nhận những rủi ro và thích ứng được với bất kỳ sự thay đổi nào của nền kinh tế.
Phiên An (theo Harvard Business Review)