Tại nhiều sân bay lớn trên thế giới, các đường băng, đường lăn và cả hangar bảo dưỡng tại các sân bay lớn đang được chuyển đổi thành bãi đỗ khổng lồ cho hơn 2.500 máy bay. Chiếc lớn nhất chiếm diện tích như một tòa nhà 8 tầng.
Theo số liệu của Cirium, số máy bay nằm không trên thế giới đã tăng gấp đôi, lên hơn 5.000 chiếc kể từ đầu năm nay. Con số này sẽ còn tăng mạnh trong vài tuần tới, khi các hãng như Qantas Airways và Singapore Airlines cắt giảm thêm lịch trình bay.
Tại Frankfurt (Đức), sân bay lớn nhất nước này đang trở thành nơi chứa máy bay bỏ không. Nhiều đường băng, đường lăn đã được chuyển đổi thành bãi đỗ cho Lufthansa, Condor và nhiều hãng khác. Swiss – hãng bay thuộc Lufthansa thì đã thuê chỗ đỗ tại một sân bay quân sự gần Zurich.
Theo số liệu từ FlightRadar24, các sân bay lớn khác trên thế giới cũng có tình cảnh đông đúc tương tự, từ Hong Kong, Seoul, Berlin và Vienna đến những nơi trước đây khá vắng vẻ như Victorville, California, Marana, Arizona.
Một số sân bay nhỏ hơn đang được chuyển thành bãi đỗ. Sân bay Avalon ở phía tây Melbourne dự kiến nhận 50 chiếc từ Qantas và Jetstar, Giám đốc sân bay Justin Giddings cho biết. "Đây là điều đáng buồn cho tất cả mọi người và cả ngành hàng không", ông nói.
Reuters trích một nguồn tin thân cận cho biết Qantas sẽ cử 30 kỹ sư đến Avalon để bảo dưỡng máy bay, giúp chúng sẵn sàng cất cánh lại trong 3 – 7 ngày khi nhu cầu hồi phục. Qantas đang đỗ 100 chiếc khác tại các sân bay lớn trên khắp Australia và 5 chiếc 747 tại một địa điểm ở Alice Springs.
Asia Pacific Aircraft Storage (APAS) tại Alice Springs cũng là nơi đỗ những chiếc 737 MAX của SilkAir và Fiji Airways khi dòng này bị cấm bay suốt một năm qua. Vì thế, tình hình hiện tại càng khiến chỗ đỗ khan hiếm.
"Chúng tôi đang cực kỳ bận rộn", Giám đốc APAS Tom Vincent cho biết, "Tuần này sẽ có thêm lô máy bay mới. Tuần tới cũng vậy".
Nhiều sân bay như Melbourne và Brisbane cho biết sẽ miễn phí đỗ máy bay. Brisbane nói rằng một số hãng bay quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm đến việc này, nhưng chưa hợp đồng nào được chốt. Sân bay này có thể chứa 101 phi cơ.
Cathay Pacific Airways – một trong những hãng bay chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch, cũng đang tận dụng mọi chỗ trống tại Sân bay Quốc tế Hong Kong để đỗ phi cơ.
Còn ở Mỹ, United Airlines và American Airlines cho biết đang để máy bay tại các cơ sở bảo dưỡng. Trong khi đó, Delta Air Lines vẫn đang tìm cách giải quyết.
Hà Thu (theo Reuters)