Tại hội thảo: "Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019" diễn ra ngày 15/5, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định, hiện cơ sở pháp lý của các loại hình bất động sản du lịch đã rõ ràng hơn so với trước, song chưa đầy đủ.
Ông Khởi cho rằng, căn hộ khách sạn (condotel) là căn hộ du lịch, không phải nhà ở nên cần có những điểm khác trong tiêu chuẩn, vận hành. Tuy nhiên, ông cho biết, ngành xây dựng còn nợ các tiêu chuẩn như căn hộ phải từ bao nhiêu m2 và được quản lý, vận hành ra sao.... đối với loại hình condotel, cũng như căn hộ văn phòng (officetel).
Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường lại cho rằng, không nên coi các loại condotel, officetel hay shophouse... là những loại bất động sản mới và sự luống cuống trong việc xây dựng khung pháp lý chỉ bởi vì những cái tên mới được đặt. Theo ông, những sản phẩm bất động sản này có sự pha trộn giữa mục tiêu để ở, làm văn phòng hoặc cho thuê lưu trú... Do đó, chuyên gia này cho rằng, vấn đề không phải là tên gọi nào mà cần làm rõ căn hộ đó tập trung vào công năng gì để quyết định chế độ sử dụng đất cho phù hợp. Và theo ông, khi giải quyết câu chuyện quản lý dựa trên công năng thì bài toán sẽ đơn giản hơn. Những mô hình này không hoàn toàn mới, cũng giống như hầu hết nhà mặt phố ở Việt Nam đều đang được dùng vào mục đích để ở và mở cửa hàng kinh doanh.
"Chế độ sử dụng đất của những bất động sản này vẫn là lâu dài, còn công năng cửa hàng chỉ được coi là phụ thôi. Nếu chủ sở hữu, người thuê có hoạt động kinh doanh tại cửa hàng, thì cơ quan quản lý có thể thu các loại thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh này", ông Võ nêu quan điểm.
Theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường, cũng bởi sự lúng túng trong việc hướng dẫn của cơ quan quản lý nên đang có thực trạng áp dụng pháp luật rất khác nhau tại các địa phương. Và khi pháp luật áp dụng được nhiều cách thì sẽ dẫn tới hai hệ quả là sự bất bình đẳng và nguy cơ xin-cho, dẫn tới tham nhũng.
Ông Võ cho rằng, vấn đề trọng tâm để giải quyết những lỗ hổng nói trên là phải hoàn thiện khung pháp luật, tức là sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 theo hướng thừa nhận và quản lý kinh doanh các bất động sản đa công năng, trong đó có việc sử dụng vào mục đích du lịch. Cùng với đó, cơ quan quản lý phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với các bất động sản đa công năng, trong đó cho phép chủ đầu tư dự án được quyền lựa chọn mục đích sử dụng đất chính. Với mục đích sử dụng đất ổn định lâu dài thì giá đất cao, còn thuê đất 50 năm thì giá đất thấp hơn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, một số địa phương đã cấp sổ cho condotel, nhưng trong tương lai sẽ như thế nào thì không ai rõ. Theo ông, hiện nay pháp lý còn lấn cấn về việc loại hình condotel nên được định hình là bất động sản để ở hay kinh doanh.
"Theo tôi, condotel là bất động sản kinh doanh. Do đó, tất cả luật về đất, thuế cần xem đây là loại hình để kinh doanh", ông Hiếu bày tỏ quan điểm, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý cho loại hình này để các ngân hàng cảm thấy yên tâm khi nhận thế chấp, người mua nhà không lo lắng về quyền sở hữu.
Theo số liệu của ngành xây dựng, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu là các địa phương có cơ hội đầu tư du lịch nhiều như là Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh... Lượng giao dịch năm 2018 cũng đến hơn 7.800 căn hộ được giao dịch, tương đương tỷ lệ hấp thụ hơn 92%.
Nguyễn Hà