Trong bài phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng "nghĩa vụ cơ bản" của Quốc hội Mỹ là tăng hoặc đình chỉ tạm thời việc áp dụng trần nợ công hiện ở mức 31.400 tỷ USD. Bà cảnh báo việc vỡ nợ có thể đe dọa đến các thành tựu kinh tế mà Mỹ đạt được kể từ đầu đại dịch.
Hồi tháng 1, Yellen đã thông báo với các nghị sĩ rằng chính phủ chỉ còn đủ tiền chi trả đến đầu tháng 6, nếu không tăng trần nợ. Mỹ đã chạm trần nợ công từ tháng 1. Tuy nhiên, vài tháng qua, các nhà hoạch định chính sách nước này vẫn chưa thống nhất được về trần nợ mới.
Bà Yellen cảnh báo nếu Mỹ vỡ nợ, người dân sẽ mất việc, các khoản thanh toán nợ mua nhà, mua xe và thẻ tín dụng sẽ tăng lên. "Việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra một thảm họa về kinh tế và tài chính. Nó cũng làm tăng chi phí đi vay. Các khoản đầu tư trong tương lai sẽ trở nên đắt đỏ hơn đáng kể".
Nếu không nâng trần nợ, các doanh nghiệp Mỹ sẽ đối mặt với thị trường tín dụng xuống cấp. Chính phủ cũng không thể trả các khoản thanh toán cho gia đình quân nhân và những người cao tuổi phụ thuộc vào an sinh xã hội. "Quốc hội phải bỏ phiếu nâng hoặc đình chỉ áp trần nợ. Họ nên làm điều đó vô điều kiện, chứ không phải đợi đến phút chót", Yellen thúc giục.
Không như nhiều nước phát triển khác, Mỹ áp giới hạn nghiêm ngặt về số tiền chính phủ có thể đi vay. Vì chính phủ chi nhiều hơn thu, các nhà hoạch định chính sách nước này phải nâng trần nợ định kỳ. Năm 2011, bế tắc trong quá trình đàm phán nâng trần nợ khiến Mỹ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm, gây rối loạn các thị trường tài chính và kéo chi phí đi vay tăng.
Tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đưa ra kế hoạch giảm chi 4.500 tỷ USD và tăng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD. Ông cho biết đây sẽ là cơ sở để đàm phán vấn đề này trong vài tuần tới. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng đây là hai vấn đề không liên quan đến nhau, và Thượng viện nhiều khả năng bác bỏ kế hoạch này.
Hà Thu (theo Reuters)