Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân chiều nay (2/5), Bộ trưởng Giao thông Vận tải – Nguyễn Văn Thể đã trả lời thẳng thắn về vấn đề huy động nguồn vốn xã hội để nâng cấp, xây dựng hạ tầng giao thông. Ông cho biết, sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn nâng cấp, xây dựng các sân bay và cả hệ thống đường sắt quốc gia trong thời gian tới.
Bộ trưởng khẳng định, giao thông vận tải có vai trò rất quan trọng, là mạch máu của nền kinh tế. "Giao thông phát triển thì tất cả các ngành kinh tế khác mới phát triển theo" ông Thể nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận, đầu tư cho giao thông rất tốn kém. Theo Bộ trưởng Giao thông, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đầu tư từ ngân sách nhà nước để hình thành hệ thống gồm đường bộ, sắt, hàng không... Trong hội nghị Trung ương khóa XI đã ban hành nghị quyết số 13 về huy động các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.
"Thực hiện nghị quyết này, cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông đã huy động được nguồn vốn xã hội để đầu tư cho giao thông rất lớn", ông Thể thông tin. Ông ví dụ, Tập đoàn Sun Group đã đầu tư xây mới sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Ông tin rằng, sân bay này sẽ đóng vai trò quan trọng cho du lịch phía Đông Bắc, trong đó có Quảng Ninh.
Hay như Vietjet tham gia vào thị trường hàng không chưa lâu nhưng đã trở thành một thuơng hiệu mạnh. "Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào ngành giao thông mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn", ông Nguyễn Văn Thể nhận định.
Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa, Bộ Giao thông kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng sân bay Sapa (Lào Cai), sân bay Lai Châu hay sân bay Nà Sản (Sơn La). Ông thể đánh giá, nếu được đầu tư, các sân bay đều có tiềm năng rất lớn để phát triển.
"Chúng tôi sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư. Nếu các đơn vị đề xuất giải pháp hợp lý và được Chính phủ thống nhất, chúng ta có thể xây dựng một sân bay, quản lý theo mô hình của sân bay Vân Đồn", ông Thể khẳng định.
Ông thông tin thêm, Bộ Giao thông đang rất vui mừng khi một tập đoàn quan tâm đến cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo nghị quyết 13 và chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành bằng phương pháp PPP – Nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng, thực hiện một số hạ tầng, phần còn lại là huy động vốn xã hội.
"Hiện Chính phủ giao cho Bộ Giao thông cùng Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước huy động các nguồn vốn. Chúng tôi sẵn sàng mời các nhà đầu tư có điều kiện vào để hình thành nguồn vốn giúp xây dựng sân bay quốc tế Long Thành", ông Thể cho hay.
Thời gian tới, ông cũng mong các nhà đầu tư trong và ngoài nước góp vốn để xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia khi được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt triển khai. Tháng 10 tới, Bộ Giao thông sẽ trình Quốc hội về dự án này.
Trước đó, bà Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Vietjet Air kiến nghị, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.
"Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, hãng tính phải 60-70 năm mới hoàn vốn nhưng dự án có ý nghĩa lịch sử, một địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ. Hãng nhận thấy cần đầu tư thành điểm đến quốc tế mang tính lịch sử, một vùng kinh tế phát triển văn minh", bà Hà nói.
Về vấn đề xây dựng sân bay Điện Biên, ông Thể cho biết, Bộ cũng đang kêu gọi xã hội hoá. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây là một trong 21 sân bay Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước – Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV).
"Hiện nay, chúng tôi xây dựng một đề án xem ACV có thể đầu tư những sân bay nào. Chúng tôi sẽ mời gọi các nhà đầu tư với những sân bay mà khả năng của ACV gặp khó khăn", ông Nguyễn Văn Thể cho hay.
Anh Tú