Ngày 1/10, Trung Quốc sẽ kỷ niệm mốc 70 năm bắt đầu quá trình chuyển mình thành cường quốc kinh tế. Việc này diễn ra trong bối cảnh thế giới lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo tụt tăng trưởng của chính nước này và cả toàn cầu.
Theo CNBC, dưới đây là những biểu đồ thể hiện rõ nhất quá trình trở thành cường quốc kinh tế của nước này.
Năm 1952, GDP Trung Quốc là 30 tỷ USD. Năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Kể từ đó, họ vẫn nắm giữ vị trí này.
Nhiều nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ năm 2030. Tuy nhiên, theo WB, nếu tính GDP theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2014.
Dưới thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc bắt đầu thực hiện hàng loạt cải tổ, tăng mở cửa và đưa nước này ra khỏi tình trạng cô lập kinh tế. GDP Trung Quốc tăng tốc nhiều năm sau đó, đạt trung bình 10% mỗi năm.
Vài năm gần đây, tốc độ này giảm dần, về trung bình 7,1% dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ tập trung vào sản xuất và xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng, dịch vụ và công nghệ. Quý II năm nay, GDP nước này chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm nhất gần 30 năm.
Động lực lớn đằng sau tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là hệ thống nhà máy khổng lồ, sản xuất mọi thứ từ đồ chơi đến điện thoại di động cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ là lợi thế rất lớn của nước này nhiều thập kỷ qua, giúp Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới.
Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2011 càng củng cố vị thế của nước này. Trong một báo cáo phân tích 186 quốc gia của McKinsey, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn nhất của 33 nước, và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của 65 quốc gia.
Năm 1950, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này là 1,13 tỷ USD. Năm ngoái, con số này đã là 4.600 tỷ USD, theo Cục Thống kê Trung Quốc.
Ngoài sự thống trị về thương mại, những năm qua, Trung Quốc còn dần trở thành người chơi lớn trong dòng chảy đầu tư toàn cầu. Giai đoạn 2015 - 2017, họ là nước đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn nhì thế giới, cũng là nước nhận đầu tư lớn nhì, theo McKinsey.
Năm 2013, Trung Quốc khởi xướng sáng kiến Vành đai và Con đường, đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở hàng loạt quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như Trung Âu và Đông Âu. Đây được coi là một trong những dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng lớn nhất lịch sử nhân loại.
Đến nay, 126 quốc gia và gần 30 tổ chức quốc tế đã tham gia Vành đai và Con đường. Theo số liệu của hãng nghiên cứu Refinitiv, tính đến tháng 5/2019, hơn 2.600 dự án nằm trong sáng kiến này có tổng giá trị 3.700 tỷ USD. Số doanh nghiệp tham gia vào khoảng 2.600, hơn một nửa là ngoài Trung Quốc.
Các dự án nổi bật là Cảng cạn Khorgos ở biên giới Trung Quốc và Kazakhstan, Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, hệ thống đường ống dầu mỏ - khí đốt xuyên Trung Á đến biển Caspi và đường ray nối Chiết Giang với London thông qua Moscow và Berlin. Mục tiêu của các dự án này là kích thích thương mại và tìm thị trường xuất khẩu mới cho hàng Trung Quốc. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là cách Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên thế giới.
2015, Trung Quốc còn hợp tác với hơn 50 nước thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở ở Bắc Kinh, với số vốn đăng ký lên tới 100 tỷ USD. Mục tiêu là hỗ trợ vốn cho các dự án năng lượng, giao thông và cơ sở hạ tầng thành thị tại châu Á.
Đến nay, AIIB đã có 100 thành viên, phê duyệt 50 dự án và đầu tư khoảng 9,64 tỷ USD. Năm nay, AIIB dự kiến cấp khoảng 4 tỷ USD vốn cho các dự án, tăng 20% so với năm ngoái. Ngân hàng này đặt mục tiêu trong thời gian tới, mỗi năm đầu tư 10 - 12 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Hà Thu (theo CNBC, Global Times)
Số liệu: WB, WTO, IMF, UNCTAD, OECD