Cây xăng lại điệp khúc 'lỗ, thiếu hàng'
Thị trường xăng dầu một tuần qua lại xáo trộn. Bình quân mỗi tháng các công trình của một công ty xây dựng tại Hà Nội cần gần 100.000 lít dầu diesel chạy máy. Nhưng gần tuần nay, các đối tác đều báo khan dầu diesel, chưa thể cung ứng đủ số lượng.
Không chỉ công ty này gặp cảnh thiếu dầu để hoạt động. Tại Bình Thuận hàng loạt tàu cá phải nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt hải sản do ngư dân không mua được dầu diesel để chạy tàu.
Bộ Công Thương khẳng định không thiếu nguồn cung và chuyện "thiếu xăng dầu là vô lý". Nhưng diễn biến thực tế trên thị trường ngược lại. Sau khẳng định này, nhiều cây xăng tại các địa phương vẫn treo biển hết hàng hoặc hạn chế giờ bán...
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, vấn đề của thị trường những ngày qua, chủ yếu là quan hệ mua bán giữa doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý và các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu.
Thực tế, hiện tượng một số cây xăng giảm thời gian bán hàng hoặc treo biển hết xăng tại các địa phương, là một trong những cách để họ bớt lỗ khi mức chiết khấu đã giảm về 0 đồng nhiều ngày nay, và nhập hàng khó khăn.
Ông Hoàng, giám đốc một doanh nghiệp phân phối tại TP HCM, cho biết một tuần nay nhập hàng từ đầu mối khá nhỏ giọt, bằng khoảng 70-80% sản lượng theo hợp đồng đã ký.
"Hàng có bao nhiêu chúng tôi bán chừng đó. Cơ quan quản lý không có biện pháp điều hành kịp thời, rất khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ", ông chia sẻ.
Chi phí mặt bằng, vận tải, kho bãi, nhân viên..., theo tính toán, khoảng 600-800 đồng một lít. Với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, hoặc nếu duy trì ở mức 200 đồng một lít, các đại lý bán lẻ cho biết không đủ để duy trì kinh doanh.
"Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa, nếu không sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép", đại diện một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu tại Đồng Nai nói.
Công thức tính giá cơ sở bất cập
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho rằng, họ cũng có cái khó riêng. Vị này chỉ ra tồn tại hiện nay là cách tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu đã chưa theo kịp biến động thế giới. Hiện trong cơ cấu tính giá cơ sở mức phụ phí vận chuyển từ nước ngoài về cảng cố định 2,5 USD một thùng, nhưng thực tế chi phí này đã tăng gấp 2-3 lần, ở mức 5-8 USD.
Trong công thức giá cơ sở chưa có khoản chi phí vận chuyển từ nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho doanh nghiệp đầu mối, tức là các đầu mối đang phải gánh chi phí này.
Ngoài ra, hiện giá nhập về (đầu vào) cao hơn giá bán ra tại thị trường trong nước (đầu ra), và các chi phí chưa được hạch toán vào giá thành... nên doanh nghiệp đầu mối cũng lỗ trên mỗi lít xăng bán ra, buộc họ phải hạ chiết khấu xuống thấp, thậm chí là 0 đồng.
"Đầu mối cũng lỗ thì không thể nào có chiết khấu cho đại lý được", vị này nói.
Hạn chế nữa trên thị trường xăng dầu là tồn tại nhiều tầng nấc trung gian trong hệ thống phân phối, chẳng hạn như đại lý xăng dầu. Thực tế, đại lý xăng dầu gần như không tồn tại do mặt hàng này được mua đứt bán đoạn, trong khi hình thức đại lý như là nơi ký gửi hàng hoá. Việc có nhiều tầng nấc trung gian khiến chi phí trên mỗi lít xăng, dầu tăng.
Thời gian điều hành xăng dầu chưa linh hoạt
Trong văn bản "trải lòng" của 24 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi Bộ Công Thương ngày 29/8, các doanh nghiệp đề nghị rút ngắn thời gian điều hành giá trong 24 giờ, kể cả ngày nghỉ, lễ. Việc này nhằm tránh tình trạng găm hàng, tạo khan hiếm hàng giả trên thị trường và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ.
Họ cũng muốn cơ quan quản lý có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức trong giá cơ sở từ thương nhân đầu mối, hệ thống phân phối, bán lẻ. "Cơ quan quản lý cần điều chỉnh cơ chế giá thành bán lẻ để doanh nghiệp đầu mối có chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng một lít cho các cửa hàng bán lẻ. Mức này mới giúp doanh nghiệp bán lẻ đủ sức duy trì hoạt động", một trong 24 doanh nghiệp gửi kiến nghị tới Bộ Công Thương, nêu quan điểm.
Trong điều kiện vận hành bình thường, không có biến động về giá và nguồn cung, những hạn chế ít lộ diện. Tuy nhiên, khi giá biến động tăng, những bất cập trong cơ chế điều hành, quản lý, theo các chuyên gia, cần được nghiên cứu sửa đổi.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cũng đồng tình, nhà chức trách nên nghiên cứu giảm thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống còn 1 ngày một lần, thậm chí ngắn hơn.
"Nếu tần suất điều chỉnh giá tăng lên ở mức mỗi ngày một lần hoặc nhiều lần, các nhà cung cấp sẽ rất khó đoán giá thế giới cho lần điều chỉnh tiếp theo, tình trạng găm hàng sẽ không còn", ông nêu quan điểm.
Ông Đức cũng đề cập, giá xăng dầu nên theo cơ chế mức giá trung bình, tương tự việc điều hành tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. "Việc không quy định cứng một mức giá mà theo giá trung tâm sẽ cho phép doanh nghiệp tăng, giảm trong biên độ vài phần trăm, phù hợp biến động giá thế giới", chuyên gia từ Ban pháp chế VCCI phân tích.
Trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn, theo ông, cần công thức hoá việc điều hành quỹ. Tức là, tích luỹ hoặc trích quỹ theo một tỷ lệ nhất định khi giá thế giới giảm/tăng, hạn chế thấp nhất sự điều hành "can thiệp từ con người".
Hiện, mỗi doanh nghiệp bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một đầu mối, khi có sự cố đơn vị bán lẻ không được lấy hàng từ đầu mối khác. Do đó, cửa hàng bán lẻ kiến nghị Nhà nước sửa cơ chế, cho họ được ký hợp đồng với nhiều đầu mối, vừa tăng cạnh tranh, vừa đáp ứng được nguồn hàng.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo kiến nghị Bộ Công Thương, Tài chính sớm xem xét, phản ánh chi phí, phụ phí xăng dầu trong nước (từ nhà máy lọc dầu về tới kho của doanh nghiệp đầu mối) vào cơ cấu giá bán lẻ, nhằm phản ánh đúng chi phí thực tế. Việc này để bảo đảm các doanh nghiệp nhập khẩu không phải chịu gánh phí quá cao, các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là bán lẻ và thương nhân phân phối không bị thiệt.
Tại cuộc họp tuần trước của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nói sẽ kiến nghị các bộ, ngành xem xét mức phí đưa xăng dầu về Việt Nam và nâng mức chiết khấu trong cấu thành giá cơ sở xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã qua 22 kỳ điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng, 8 lần giảm và 1 lần giữ nguyên giá bán. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm hơn 6.200 đồng.
Theo số liệu đến ngày 26/8, giá thành phẩm xăng RON 95 trên thị trường Singapore đã vượt 111 USD một thùng, RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) trên 108 USD một thùng; dầu diesel cũng xấp xỉ 150 USD mỗi thùng... Với mức giá này, nếu nhà điều hành không dùng tới Quỹ bình ổn, giá xăng sắp tới có thể tăng 400 đồng một lít, dầu diesel gần 2.500 đồng.