Theo các chuyên gia, Arabica là loại cà phê lá nhỏ, ưa vùng núi cao, có hạt dài và to hơn hạt cà phê Robusta. Sản phẩm gây ấn tượng nhờ hương thơm nhẹ nhàng, vị chua thanh ngon nên được yêu thích, đặc biệt là ở các nước phương Tây.
Giống cà phê này có đặc tính ưa vùng núi cao, đặc biệt là nơi có độ cao 1.000-1.500m. Loại cây này khó phát triển ở những vùng chuyên canh cà phê ở Việt Nam như Đắk Lắk, Lâm Đồng... nơi chỉ có độ cao 500-1.000m so với mực nước biển. Không những thế, cà phê Arabica có tuổi thọ chỉ khoảng 25 năm, lại dễ nhiễm sâu bệnh, không dễ tính và kinh tế bằng giống Robusta đang được trồng nhiều ở Việt Nam.
Trong 500.000 ha trồng cà phê cả nước, hiện có khoảng 35.000 ha cà phê Arabica được trồng rải rác ở một số vùng núi của Lâm Đồng, Thừa Thên Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La...
Những lợi thế khi phát triển cà phê Arabica tại Sơn La
Sơn La với lợi thế địa hình bao quanh bởi núi non trùng điệp, các sườn dốc của chân dãy núi thấp hoặc chỏm đồi, thích hợp để quy hoạch để trồng cà phê Arabica.
Mặc dù đã có lịch sử trồng cà phê gần 150 năm nhưng với địa hình nhiều núi, khó di chuyển đã khiến việc đầu tư phát triển cà phê ở Sơn La bị chậm trễ. Thiếu đầu tư, thiếu hệ thống nhà máy quy mô lớn, khâu canh tác còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và thói quen tập quán của dân địa phương, hạn chế trong việc kiểm định chất lượng... Đây là những khó khăn khiến loại hạt đặc sản của Sơn La không được nhiều người biết đến.
Năm 2017, Sơn La có cú "lội ngược dòng" khi diện tích cà phê Arabica tăng nhanh, sản lượng cà phê nhân đạt trên 40.000 tấn. Sơn La lần đầu tiên có nhà máy quy mô lớn với đầu tư lên đến 100 tỷ đồng - dự án đầu tư của Công ty cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group), với mong muốn sản xuất các sản phẩm cà phê đạt chuẩn UTZ, BRC để xuất khẩu sang những thị trường khó tính trên thế giới.
Phúc Sinh Group nỗ lực đưa sản phẩm tốt nhất phục vụ thị trường
Bên cạnh việc xây dựng nhà máy quy mô lớn, Phúc Sinh Group đã hỗ trợ người nông dân được học hỏi, tìm hiểu về đất đai, cách chăm sóc và duy trì các điều kiện để có thể canh tác trong thời gian dài. Từ đó, tập đoàn giúp nông dân có thể sản xuất nên hạt cà phê chất lượng tốt nhất, đáp ứng những yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Để người dân có thể yên tâm sản xuất, chúng tôi cam kết mua với giá cao hơn thị trường để hợp tác lâu dài với người nông dân và có thể trả giá cao hơn nếu chất lượng cà phê tốt", ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group chia sẻ.
Định hướng phát triển bền vững cùng địa phương, Phúc Sinh Group đã đầu tư khu nhà máy xử lý nước thải rộng 2.600 mét vuông, công suất 200 mét khối một ngày đêm. Đây là khâu quan trọng để tránh làm ô nhiễm môi trường, nhưng không phải doanh nghiệp chế biến cà phê tươi nào cũng làm được.
Ông Phan Minh Thông cho biết, sau gần 2 năm triển khai, dự án đầu tư tại Sơn La của Phúc Sinh Group đã đơm trái ngọt khi hạt cà phê Blue Son La (sản xuất từ nguồn Arabica địa phương) được khách hàng tại châu Âu đón nhận. Các đối tác nhận định loại hạt này có chất lượng không thua gì những loại cà phê ngon trên thế giới. Những đơn hàng nối tiếp nhau đã mở ra tương lai tươi sáng cho hạt cà phê đặc sản từng bị bỏ quên ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Từ nguồn cà phê đặc sản Blue Son La, Phúc Sinh Group đã đưa vào nhà máy chế biến cà phê hiện đại để mang đến sản phẩm cà phê thơm ngon cho người tiêu dùng Việt. Từ nay, những tín đồ cà phê Việt sẽ được thưởng thức ly cà phê cao cấp Arabica mà không cần phải nhập khẩu.
Sản phẩm mới Blue Son La với mùi vị thanh khiết, hương thơm cam rừng và hậu vị ngọt mật ong, mang đến cho người dùng thanh vị rõ nét của cà phê nguyên bản.
(Nguồn: Phúc Sinh Group)