Cổ phiếu Apple chốt phiên 7/9 giảm 3%. Tổng cộng trong 2 phiên vừa qua, mã này mất 6,4%, khiến vốn hóa Táo Khuyết bốc hơi gần 200 tỷ USD chỉ trong hai ngày. Đây là mức giảm hai phiên tệ nhất trong một tháng của hãng này.
Cổ phiếu Apple đi xuống sau khi Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc muốn mở rộng lệnh cấm dùng iPhone trong các cơ quan và công ty nhà nước. Trước đó, WSJ đưa tin một số cơ quan nhà nước tại Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên không dùng iPhone và các điện thoại thương hiệu nước ngoài khác cho công việc, hoặc mang đến nơi làm việc.
Apple vốn đang gặp khó khi Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất và là trung tâm sản xuất của hãng này. Nền kinh tế lớn nhì thế giới hiện đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh ngành bất động sản khủng hoảng. Điều này đang đe dọa nhu cầu mọi sản phẩm, từ hàng hóa đến điện tử tiêu dùng.
Táo Khuyết còn gặp nhiều rắc rối khác. Như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng khi trái phiếu bị bán tháo do lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát.
Apple là công ty chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ. Vì vậy, việc này khiến chứng khoán Mỹ nói chung đi xuống. Nhà đầu tư bán mọi cổ phiếu, từ hãng chip, các đại gia công nghệ đến cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
"Nasdaq giảm điểm vì Apple làm ảnh hưởng đến các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Tăng trưởng của Apple phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh siết kiểm soát iPhone, đây có thể là vấn đề lớn với các đại gia công nghệ khác cũng phụ thuộc vào Trung Quốc", Edward Moya, nhà phân tích thị trường tại OANDA, cho biết.
Wamsi Mohan, nhà phân tích tại Bank of America, nhận xét "thời điểm đưa ra lệnh cấm rất đáng chú ý", vì Huawei Technologies vừa ra mắt smartphone 5G cao cấp.
Động thái của Huawei cho thấy Bắc Kinh dường như đang có bước tiến ban đầu trong quá trình giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm công nghệ do nước ngoài thiết kế, thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp công nghệ. Mate 60 Pro của Huawei sử dụng chip tiến trình 7nm của SMIC.
Nếu Bắc Kinh mở rộng lệnh cấm, nhiều hãng công nghệ Mỹ khác cũng có thể chịu tác động, do phụ thuộc vào việc bán hàng và sản xuất tại Trung Quốc. Cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple trên thế giới hôm qua cũng đi xuống do thông tin này.
Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng tác động của lệnh cấm iPhone tại Trung Quốc đang "bị thổi phồng", do nó chỉ ảnh hưởng đến gần 500.000 thiết bị trong số 45 triệu iPhone dự kiến bán ra tại đây trong 12 tháng tới. "Apple vẫn có thị phần khổng lồ tại thị trường smartphone Trung Quốc", Daniel Ives – nhà phân tích tại Wedbush Securities cho biết.
Hà Thu (theo Bloomberg)