Biển hiệu bên ngoài chi nhánh Citibank ở San Marco, California. Ảnh chụp ngày 17/11/2008. Ảnh: Reuters |
Với tổng cộng 75.000 việc làm cắt giảm sau hai đợt, tỷ lệ sa thải tương đương 20% nhân sự tập đoàn, Citigroup kỳ vọng sẽ tiết kiệm chi phí từ 50 cho tới 52 tỷ USD trong năm sau. Kế hoạch sẽ được triển khai trên toàn cầu, ảnh hưởng mạnh tới nhiều khu vực và các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn, kể cả ngân hàng bán lẻ hay đầu tư. Bản thân Giám đốc điều hành Vikram Pandit cũng chịu nhiều áp lực và bị nghi ngờ khả năng xoay chuyển tình thế khó khăn hiện nay.
"London và New York sẽ là hai nơi chịu tác động mạnh nhất", Chủ tịch Citigroup Win Bischoff tiết lộ.
Năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến Citigroup thiệt hại hơn 20 tỷ USD. 4 quý liên tiếp vừa qua, ngân hàng đều kinh doanh thua lỗ và các chuyên gia tin khó có thể cải thiện tình hình trước năm 2010.
Sau thông tin điều chỉnh nhân sự, giá cổ phiếu Citigroup trong phiên hôm qua đã giảm 6,2%, đưa tổng mức sụt giảm từ đầu năm tới nay lên đến 70%.
Là một trong những ngân hàng lớn nhất Mỹ, Citigroup cũng có tên trong danh sách 9 tổ chức tài chính được hưởng lợi từ kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD của Chính phủ. Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ công bố sẽ bơm 125 tỷ USD tiền mặt cho Citigroup, JP Morgan Chase, Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Wells Fargo, Bank of New York Mellon, State Street và Merrill Lynch.
Với mức sụt giảm 70%, thị giá của Citigroup hiện chỉ còn 48,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều số vốn 75 tỷ USD mà tập đoàn huy động được trong 15 tháng qua trong đó bao gồm cả 25 tỷ được Bộ Tài chính hỗ trợ. Cuối năm 2006, Citigroup được đính giá trên thị trường vào khoảng 270 tỷ USD.
"Tin tức cắt giảm việc làm là một minh chứng nữa cho thấy nền kinh tế đang lâm vào chỗ cực kỳ khó khăn", ông Ernie Ankrim, chiến lược gia cao cấp về đầu tư của tập đoàn Russell Investment bình luận.
Song Linh (theo Reuters, BBC)