Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bắt đầu lan rộng. Từ sự suy thoái của thị trường nhà đất Mỹ với nguyên nhân được người ta nhắc đến nhiều nhất sau này là "cho vay dưới chuẩn" (tài sản thế chấp cho các khoản vay bất động sản không đủ đảm bảo trả nợ), cuộc khủng hoảng lan sang thị trường tài chính và rồi tới kinh tế toàn cầu.
Cơn địa chấn thực sự nổ ra vào ngày 7/9 với việc hai đại gia cho vay thế chấp của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac bị quốc hữu hóa. Sau đó, lần lượt Lehman Brothers, Washington Mutual tuyên bố phá sản. Merill Lynch bị Bank of America mua lại, còn AIG phải nhận hàng chục tỷ USD cứu trợ từ Chính phủ Mỹ.
Để cứu vãn nền tình thế, ngân hàng trung ương các nước đã phải cắt giảm lãi suất, bơm tiền cho các công ty hay mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, động thái đó cũng không thể ngăn cản Nhật, EU, Mỹ, Nga và nhiều quốc gia khác trên thế giới rơi vào suy thoái trong quý IV năm đó. Theo cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Alan Greenspan, đây là cuộc khủng hoảng "hàng trăm năm mới có một lần".
Sau nhiều động thái, đến tận cuối năm 2009, khu vực đồng tiền chung châu Âu tuyên bố EU, trừ Hy Lạp và Tây Ban Nha, đã thoát khỏi suy thoái. Các nền kinh tế khác như Nhật Bản, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Pháp cũng cho biết đã ra khỏi thời kỳ đen tối nhất. Với tăng trưởng quý III đạt 2,2%, nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ cũng đã qua đáy sau 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Với kết quả như vậy, "suy thoái kép" - cụm từ ám ảnh các nhà quản lý cũng như chuyên gia kinh tế suốt vài năm đã không trở thành sự thật. Tuy nhiên, thay vào đó lại là hàng loạt những cuộc khủng hoảng mang tầm quốc gia hoặc khu vực diễn ra trên khắp thế giới khi điểm yếu của mỗi nền kinh tế bộc lộ và bị khoét sâu.
5 năm khủng hoảng, người ta đã chứng kiến một nước Mỹ với những cuộc chơi tài chính rủi ro, lấn át cả kinh tế thực, một châu Âu ì ạch với những khoản nợ công khổng lồ, Trung Quốc phát triển nóng và khó có khả năng "hạ cánh mềm", trong khi Nhật Bản vốn đã chật vật với bài toán tiêu dùng trong nước lại không may khi phải hứng chịu thảm họa kép động đất - sóng thần... Với những nghịch lý như vậy, theo Kinh tế trưởng của IMF - Olivier Blanchard cho rằng dù đã qua khỏi giai đoạn tồi tệ nhất nhưng thế giới vẫn sẽ phải mất ít nhất 10 năm để lấy lại đà phục hồi như giai đoạn trước khủng hoảng. Nhận định này không phải là quá bi quan nếu nhìn vào bức tranh kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tại Mỹ, 5 năm sau khủng hoảng tài chính, nền kinh tế số một thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Theo AP, đây là cuộc khủng hoảng có đà phục hồi chậm chạp nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930. Riêng năm 2009, 140 ngân hàng Mỹ bị xóa sổ, GDP nước này cũng tăng trưởng âm 2,8%. Hai đại gia sản xuất ôtô General Motors (GM) và Chrysler nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong cùng năm đó. Cuộc chiến nâng trần nợ công năm 2011 còn khiến Mỹ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Để cứu vãn nền kinh tế, từ tháng 11/2008, FED đã phải liên tục tung ra các gói kích thích. Chương trình mua lại trái phiếu hiện tại (QE3) đã được thực hiện từ tháng 9 năm ngoái để bơm 85 tỷ USD mỗi tháng vào nền kinh tế. Lãi suất cũng được duy trì ở mức kỷ lục gần 0% nhiều năm nay.
Tuy nhiên, mãi đến thời gian gần đây, kinh tế Mỹ mới có một số dấu hiệu lạc quan. Nước này đã tăng trưởng 2,8% năm ngoái, cao hơn thời kỳ tiền khủng hoảng năm 2006 (2,7%). Niềm tin doanh nghiệp và đầu tư trong quý II/2013 đã được cải thiện. Thị trường nhà đất ấm dần, chứng khoán cũng liên tiếp lập kỷ lục trong vài tháng gần đây trước các số liệu lạc quan của nền kinh tế. Ngân sách Mỹ tháng 6 lên cao nhất 5 năm và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm đáng kể so với gần 10% cuối năm 2010.
Trong khi đó, sau khi tuyên bố thoát khỏi suy thoái từ cuối năm 2009, châu Âu lại gần như ngay lập tức sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ công đã bước sang năm thứ 5. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ cơn địa chấn tài chính 2008. Các quốc gia tăng cường tung kích thích bằng các biện pháp tài khóa đã khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tăng dần. Khủng hoảng bắt đầu từ cuối năm 2009 tại Hy Lạp, sau đó lan ra toàn khu vực đồng euro. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland và Síp đã phải xin cứu trợ quốc tế để tránh vỡ nợ.
Những diễn biến này đã khiến đồng euro mất giá trầm trọng. Chính sách thắt lưng buộc bụng của các nước trong khu vực, nhằm giảm thâm hụt và nợ công, cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp hay Tây Ban Nha thường xuyên trên 25%. GDP Hy Lạp thậm chí còn giảm tới 30% kể từ năm 2008.
Lo ngại bởi cuộc suy thoái dài nhất kể từ khi đồng euro lưu hành và tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục, các lãnh đạo EU đã phải nới lỏng biện pháp khắc khổ trong vài tháng gần đây. Vì vậy, hoạt động tại châu Âu đã có một số dấu hiệu khởi sắc. Tốc độ suy thoái tại Italy và Tây Ban Nha đã giảm trong quý II. Các số liệu thương mại tại Đức cũng tăng mạnh trong tháng 6. Giới chuyên gia dự đoán khu vực eurozone có thể tăng trưởng dương trong quý II sau 6 quý liên tiếp co lại.
Trái ngược với tình cảnh tại Mỹ và châu Âu, trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng, khu vực Đông Á – Thái Bình Dương lại là điểm sáng khi đóng góp tới 40% tăng trưởng GDP thế giới. Những nền kinh tế châu Á, như Nhật Bản, Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc) cũng thoát khỏi suy thoái tương đối sớm, hầu hết vào nửa cuối năm 2009.
Thậm chí, một số quốc gia trong nhóm nền kinh tế mới nổi (BRICS), như Ấn Độ hay Trung Quốc chỉ bị giảm nhẹ tăng trưởng GDP trong hai năm 2008 và 2009, nhưng vẫn ở mức cao so với toàn cầu. Đặc biệt là Trung Quốc - cỗ máy tăng trưởng của thế giới với 9,6% năm 2008 và 9,2% năm 2009.
Dù vậy, kinh tế Nhật Bản sau đó lại liên tiếp gặp vấn đề. Chưa giải quyết được tình trạng giảm phát liên tiếp trong gần hai thập kỷ, đầu năm 2011, Nhật lại lao đao vì thảm họa kép động đất - sóng thần, gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Nợ công của nước này hiện cũng cao nhất thế giới với 231% GDP, và kinh tế còn tăng trưởng âm quý III năm ngoái.
Tình hình tại đất nước mặt trời mọc chỉ có dấu hiệu khởi sắc từ cuối năm 2012, khi Thủ tướng Shinzo Abe nắm quyền. Nhóm chính sách kích thích kinh tế (Abenomics) mạnh mẽ của ông đã phát huy tác dụng. Đồng yen mất giá liên tục so với USD từ tháng 9 năm ngoái, khiến các hãng xuất khẩu lãi kỷ lục. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 3,6% trong quý II so với cùng kỳ. Thậm chí, trong tháng 6, lần đầu tiên sau hơn một năm, nước này đã có lạm phát.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc lại có nhiều dấu hiệu chững lại sau ba thập kỷ tăng trưởng cao. Để ngăn tác động của khủng hoảng tài chính, tháng 11/2008, nước này đã chi gần 600 tỷ USD để kích thích kinh tế, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến an sinh xã hội. Trong 2 năm 2009 và 2010, Trung Quốc đã dần leo lên vị trí nền kinh tế số 2 thế giới.
Nhưng sau khủng hoảng, để không bị suy giảm như Mỹ và châu Âu, nước này vẫn liên tục tung kích thích dưới dạng các khoản cho vay khổng lồ. Hệ quả là tỷ lệ cấp tín dụng trên GDP tăng từ 120% lên gần 200% trong gần 5 năm qua, nợ địa phương ngày càng phình to và bong bóng bất động sản tạo ra hàng loạt thành phố ma trên khắp cả nước. Nhu cầu nội địa yếu, thị trường Âu - Mỹ chưa hồi phục đã khiến cả tăng trưởng GDP, lạm phát, sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc liên tục giảm sút từ năm ngoái.
Ban lãnh đạo mới của nước này đã tuyên bố chấp nhận tăng trưởng thấp để chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng. Đầu năm nay, Trung Quốc còn khủng hoảng thanh khoản ngắn hạn sau khi thực hiện thắt chặt tín dụng để kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm. Theo giới phân tích, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có nhiều dấu hiệu rơi vào "thập kỷ mất mát" như Nhật Bản thập niên 90, với các biểu hiện như tăng trưởng chậm, giảm phát và nợ xấu.
Thùy Linh - Nhật Minh