5G thúc đẩy các công nghệ đột phá khác
Công nghệ 5G được xem là một phần của loạt công nghệ khác gồm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), góp phần thay đổi diện mạo của thế giới. "Cùng với nhau, bộ ba này sẽ mở ra một kỷ nguyên của kết nối thông minh", ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định.
Thông tin số thu thập được từ chuỗi các thiết bị trong IoT sẽ được AI phân tích và gửi đến người dùng một cách hợp lí và hữu dụng. Do đó, 5G sẽ đóng vai trò trụ cột trong hoạt động của hệ thống này.
Đối với Việt Nam, những đổi mới này có thể chính là chìa khóa để bước vào Công nghiệp 4.0, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và được kì vọng sẽ thúc đẩy GDP đất nước lên 16% vào năm 2030. Hơn thế, đó cũng chính là cơ hội để Việt Nam tham gia vào nền kinh tế 5G, được dự đoán sẽ sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị lên đến 12.000 tỷ USD vào năm 2035.
5G không chỉ dành cho ngành công nghiệp di động
Tại Việt Nam, 5G sẽ có những tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề khác nhau. Một trong số đó là thành phố thông minh. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 40% vào 2020, và an ninh cũng như điều kiện sống tại các thành phố cần được đảm bảo. Do đó, vai trò của 5G vô cùng quan trọng.
Ví dụ, phương tiện thông minh không chỉ dừng ở phương tiện tự lái, mà còn tích hợp với giải pháp quản lý giao thông, giúp theo dõi và cái thiện ùn tắc ở Hà Nội và TP HCM. Ứng dụng cho năng lượng thông minh có thể hỗ trợ các thành phố giám sát và điều chỉnh năng lượng trực tiếp, giúp tối ưu hóa tiêu thụ, giảm thiểu khí thải.
Ngành sản xuất với mức tăng trưởng năm vừa qua đạt 12,98% và là ngành chủ đạo của công nghiệp 4.0, cũng sẽ hưởng lợi từ 5G. Công nghệ này sẽ cho phép sản xuất chi phí thấp thông qua các nhà máy thông minh hơn, cải thiện hiệu suất và nâng cao năng lực sản xuất.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ có những biến đổi lớn. Dù đóng góp 20% vào GDP, nông nghiệp luôn đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu và số nhân lực đang giảm. Với 5G, Việt Nam có thể áp dụng canh tác chính xác, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, điều khiển cảm ứng, thiết bị bay không người lái... Người nông dân sẽ cần ít nguồn lực hơn trong khi tăng chất lượng và năng suất nông sản.
5G cần dễ tiếp cận hơn
"Để 5G tạo được ảnh hưởng lớn, việc truy cập công nghệ cần được phổ biến rộng rãi. Tại Việt Nam, các bên liên quan cần chung tay phổ cập 5G không chỉ đến với thị trường, mà còn rộng rãi tới người tiêu dùng", vị chuyên gia nói.
Dẫn đầu hệ sinh thái 5G là Chính phủ Việt Nam. Qua việc cấp phép thử nghiệm 5G, Chính phủ thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiêu triển khai công nghệ này. Việc tổ chức Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G), với trọng tâm định hướng và dung hòa quy hoạch của đất nước với khu vực, đã khẳng định hơn sự cương quyết của Việt Nam trong việc đi đầu 5G trên toàn cầu.
Khu vực kinh tế tư nhân địa phương đã và đang ủng hộ tầm nhìn này của Chính phủ. Đơn cử, các nhà mạng đã công bố dự định thử nghiệm 5G trong năm nay, với mục tiêu thương mại hóa 5G vào năm 2020.
Các nhà sản xuất thiết bị gốc tại địa phương (OEMs) cũng đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ trong việc tích hợp các giải pháp 5G. Thông qua các sản phẩm điện thoại thông minh và thiết bị di động khác, những nhà sản xuất thiết bị gốc sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp quyền truy cập 5G đến nhiều người Việt thuộc các phân khúc thị trường khác nhau.
"Trong công cuộc theo đuổi giấc mơ 5G của Việt Nam, sự hợp tác sẽ giúp đảm bảo việc triển khai ở địa phương phản ánh đúng thực trạng phát triển của công nghệ, mang lợi ích đến cho các ngành công nghiệp cũng như người dân nói chung", ông Nam nhận xét.
Viễn Thông (ghi)