Hãng đánh giá tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) hạ triển vọng của Sacombank từ mức "Ổn định" xuống "Tiêu cực"; giữ nguyên hạng mức tín nhiệm dài hạn và ngắn hạn lần lượt ở BB- và B. "Trong tiêu chí nhà phát hành ở khu vực ASEAN, chúng tôi hạ đánh giá tín nhiệm dài hạn của Sacombank từ axBB+ xuống axBB trong khi vẫn giữ nguyên axB trong ngắn hạn", chuyên gia phân tích tín dụng Amit Pandey của S&P nhận xét.
Vấn đề khiến S&P quan ngại là Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong khi môi trường vĩ chung của Việt Nam còn nhiều thách thức.
"Triển vọng tiêu cực được chúng tôi đưa ra dựa trên chiến lược tăng trưởng đầy tham vọng của Sacombank, vì điều này có thể gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát rủi ro nội tại, kéo theo đó là chất lượng tài sản và mức vốn hoá sẽ giảm sút", ông nói.
Theo Amit Pandey, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam trong đó có Sacombank đang yếu đi. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Sacombank tiếp tục gia tăng trong vài quý gần đây, chỉ trong nửa đầu năm đã công bố đạt 13%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống (5% trong 6 tháng đầu năm). Nợ xấu của Sacombank tính tới 30/6/2013 đã lên tới 2,5% tổng dư nợ tín dụng, trong khi tỷ lệ này cuối năm 2011 chỉ là 0,6%.
Sacombank dự định tăng tỷ lệ cổ tức chia cho cổ đông lên mức 9-10% mệnh giá thay vì 6% của cả năm ngoái. Cổ tức bằng tiền mặt cũng sẽ được ngân hàng cân nhắc trong thời gian tới.
“Chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng cao hơn, kế hoạch chia cổ tức nhiều hơn và nguy cơ suy giảm lợi nhuận có thể gây áp lực tới mức vốn hoá của ngân hàng. Những nhân tố này có thể ảnh hưởng tới hạn mức tín nhiệm của ngân hàng”, chuyên gia S&P Pandey nói.
S&P cho biết có thể hạ xếp hạng tín nhiệm với Sacombank nếu tỷ lệ vốn trên tổng tài sản điều chỉnh theo rủi ro (risk-adjusted capital ratio) của ngân hàng giảm xuống dưới 3%. Trong trường hợp lạc quan, triển vọng của Sacombank có thể được đưa về mức ổn định nếu ngân hàng điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng một cách hợp lý và cải thiện chất lượng tài sản cũng như quy mô vốn hoá.