Sự thống nhất này được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Hiệp hội ngân hàng và 16 nhà băng thành viên hôm 9/7. Theo chỉ đạo của Phó thống đốc Đào Minh Tú, 16 ngân hàng là Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank đã đồng thuận việc sẽ giảm lãi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá: "Việc giảm lãi suất là rất khó nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp".
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng chia sẻ sẽ không giảm lãi suất "cào bằng". Đồng thuận với việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, nhưng ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank bổ sung, thay vì hỗ trợ một cách cào bằng, ngân hàng nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn.
"Với các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hay cá nhân vay tiền mua ôtô..., ngân hàng không nên hỗ trợ lãi suất", ông chia sẻ quan điểm. Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đánh giá, cần có cái nhìn cởi mở hơn với việc xem xét cho vay mới những khách hàng cơ cấu nợ hay chuyển nhóm nợ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank cũng cho biết nhà băng này đã họp và thống nhất giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Agribank sẽ có cuộc họp vào chiều nay (12/7) để bàn thêm việc giảm lãi suất khoản vay hiện hữu từ 0,5% đến 2,5%. Trung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%, ông Mạnh nói.
Còn theo Phó tổng giám đốc MB, bà Phạm Thị Trung Hà, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ...) với mức giảm lãi suất tối thiểu 1%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).
Tại cuộc họp, một số ngân hàng cho biết cần xin ý kiến cổ đông, vì việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của họ trong năm nay.
Đại diện LienvietPostBank cho biết, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1% một năm, lợi nhuận sẽ giảm khoảng 600 tỷ đồng.
Còn với tổng dư nợ khoảng 350.000 tỷ của Sacombank, Phó tổng Giám đốc ngân hàng, ông Phan Đình Tuệ nói, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm trên nghìn tỷ (tương đương 40% kế hoạch lợi nhuận) nếu giảm lãi suất 1% trong vòng 5-6 tháng. Việc này cần sự chấp nhận của cổ đông, ông Tuệ cho biết.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sacombank sẽ giảm lãi suất với các đối tượng thực sự khó khăn. Còn với những khách hàng có dư nợ hàng nghìn tỷ đồng và kinh doanh có lãi, nhà băng không thấy họ cần thiết đến việc hỗ trợ, ông Tuệ đánh giá.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) đánh giá cao tinh thần đồng cam cộng khổ của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến thị trường, lắng nghe các ý kiến phản hồi, sẵn sàng can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
Ông Hà nói thêm, Ngân hàng Nhà nước biết rằng, quy mô và năng lực mỗi ngân hàng một khác, do đó mức độ hỗ trợ khách hàng cũng khác nhau. "Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhìn thấy những con số hỗ trợ cụ thể để thị trường biết rằng, các ngân hàng đã hỗ trợ cho những nhóm/ngành/lĩnh vực nào, thậm chí là khách hàng nào, để tất cả đều thấy sự sẻ chia, sát cánh của hệ thống ngân hàng", ông Hà nói.
Nhìn chung, các nhà băng thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và mức giảm sẽ tuỳ thuộc vào từng đối tượng bị ảnh hưởng. Dự kiến, việc giảm lãi suất sẽ áp dụng cho doanh nghiệp trong tháng 7 đến hết năm 2021.
Quỳnh Trang